Tuesday, August 12, 2014

HAI NGƯỜI CHA CỦA TÔI



Tôi có 2 ông bố, một là thân sinh của tôi và một là thân sinh của chồng; hai ông xấp xỉ tuổi nhau, cha tôi tuổi Qúi Hợi, còn cha chồng tuổi Canh Thân; Cả hai ông đều lần lượt ra đi vào năm 2005; Mẹ tôi mất khi bà tròn 64 tuổi vào năm 1988 còn mẹ chồng mất vào năm bà 73 tuổi vào năm 1997 (hai bà bằng tuổi nhau Ất Sửu - 1925); Thế là 2 ông trở nên cô đơn từ đó.

1. CHA TÔI


Cha tôi ngồi bên cái vành đai bên mộ đã cải táng của mẹ tôi.

Tôi vẫn nhớ như in ngày mẹ tôi qua đời, trước linh cửu của mẹ, cùng với pháp sư đang tụng kinh, cha tôi làm theo phong tục của người Hoa: chia "của":
  •   dát giường chia đôi,
  •   cái lược bẻ đôi,
  •   trong đôi tĩnh sành nhỏ, hai tay cha tôi bốc bát cơm rồi bắt chéo tay bỏ vào hai cái tĩnh, cả thức ăn cũng thế mỗi thứ đều chia nửa..
  •   và chúng tôi cùng rưng rức lên khi thấy hình ảnh cha lúc ông nghẹn ngào bẻ đôi cái đòn gánh (làm tượng trưng bằng tre)..
Vâng, cái gánh nặng cuộc đời của hai vợ chồng từ khi gãy gánh đã cách trở âm dương, từ nay cha tôi chỉ còn một nửa trên dương thế sau khi chia đôi cho những cái ngày xưa hai người còn cùng nhau chia sẽ với nhau khi còn ở trên cõi trần gian lặn lội này;

Trong tôi chợt ngâm ngùi :   
       Cái dát giường chia đôi
       Bát cơm cha chia nửa
       C ái đòn gánh bẻ đôi
       cha sống nửa với đời

Sau này tôi vẫn nhớ hình ảnh cha tôi, lúc ông ra vào ngóng ở cánh cửa nhà đợi chúng tôi về cúng thất cho mẹ, tôi thủa ấy còn khó khăn lắm nhưng vẫn lặn lội về đủ 7 thất vừa cúng cho mẹ vừa để an ủi lòng cha; Có lẽ trong tôi và các đứa con của người không bao giờ quên hình ảnh về đầu tóc và bộ râu của cha vì để tang cho mẹ mà ông không cạo, ông là người luôn giữ theo phong tục, trước giờ gương mặt của ông râu tóc luôn gọn gàng, vậy mà ba tôi để râu tóc đến sau 100 ngày ông mới cạo đi, may mà tóc cha tôi cứng và quăn, nên nhìn ông tôi lại thấy rất đẹp.

Điều đặc biệt để nhớ về ông là, ông từ trẻ không bao giờ mê tín dị đoan, Nhưng bàn thờ tổ tiên luôn được ông chăm chút, bàn thờ tổ tiên được ông tìm gỗ tốt, tự tay ông viết chữ rồi nhờ thợ khắc vào gỗ, tự tay ông đóng bàn thờ tổ tiên, bàn thờ tổ tiên luôn nhìn ra cửa trước, phong tục tập quán và truyền thống gia đình thì ông luôn dạy bảo chúng tôi phải biết giữ gìn.
  • Hàng ngày sáng tối thắp nhang trên bàn thờ Tổ tiên cho anh linh của tổ tiên và cửa nhà con cháu luôn ấm cúng, ngày rằm mùng một, giỗ chạp, bàn thờ Tổ tiên luôn được chăm chút sạch sẽ.
  • Giỗ chạp luôn có mâm cơm cúng Ông Bà, rồi cả nhà quây quần, không ồn ào khách khứa linh đình.
  • Sinh nhật chúng tôi, mẹ luôn để dành phần cho một cái đùi gà và chúc mừng sinh nhật cho đứa con đó. Bà luôn dạy bảo chúng tôi anh em như thể tay chân nên phải luôn đùm bọc nhau.
  • Khi ăn cơm thì cả nhà phải ngồi vào bàn, tay không được chống lên bàn khi ăn, đứa nhỏ phải mời cơm ba mẹ trước rồi đến anh chị, cứ lần lượt như thế, mà nhà tôi khi ấy cả cha mẹ nữa là mười nhân khẩu :-)
  • Trong khi ăn thì không được khua chén đĩa, vì nhìn và nghe không đẹp lắm, ít nói chuyện trong khi ăn..
  • Mỗi năm khi Tết đến thì từ trưa ba mươi tất cả chúng tôi đều mặc quần áo mới để cúng đón ông bà, nhận lì xì, và còn rất nhiều điều nữa ... 
Những nét văn hóa rất đẹp và rất có đạo đức của gia đình làm sao mà chúng tôi lại không giữ gìn nhỉ!

Cha tôi không nói rõ được tiếng Việt, ông làm việc với cộng đồng người Hoa, gia tộc tôi là một gia tộc lớn ở Quảng Tây Trung Quốc, năm loạn lạc cả giòng họ bỏ gia trang điền sản di tản khắp nơi, người già thì qua Việt Nam, người trẻ thì tìm đường qua Mỹ. Cha mẹ tôi thì bám lấy nơi có Ông Bà ở, thế là văn võ của ông không sử dụng được ở xứ này, nên ông học lái xe làm nghề mưu sinh, và chúng tôi theo cha mẹ trên suốt con đường mưu sinh của người, đi từ bắc vào nam, rồi từ nam ra trung, rồi sau ngày thống nhất lại từ miền trung về lại vùng cao ở Định Quán, một điều mà tôi luôn ghi nhớ trong ký ức là dù đi tới đâu dù khó khăn như thế nào thì chúng tôi cũng được cha mẹ cho ăn học đầy đủ, sau khi tôi tốt nghiệp Tú Tài I và II ban B ở Nha Trang, Cha mẹ tôi sắm sửa cho tôi vào SG học tiếp, có một lần, tôi có viết vài câu thơ gởi về cho mẹ, trong đó có câu "... tàng cây không đủ lớn, che đàn con tháng ngày ..." mẹ tôi đã chảy nước mắt khi đọc câu thơ đó của con.

Sau ngày mẹ mất đi (1988), thì chúng tôi, các đứa con của ông bà đã trưởng thành, ra trường đi làm cuộc sống ổn định và tốt hơn, và cha tôi cũng được an nhiên sống vui hơn trong tuổi già. Từ đó đến các ngày giỗ, ngày tết, Ông luôn mong ngóng con cháu về thăm, bình thường thì đôi lúc ông đi đánh bài mạc chược với bạn già trong xóm, mua vé số, dù thường hay bị các bà bán vé số lừa ba lúc ba móc tiền ra mua và đưa nhầm tiền, các em tôi thì hay cằn nhằn khi tôi cho tiền ba, thì tôi nói với các em: "Ba già rồi, chẳng có gì để vui, các em hãy để ba vui theo cách của ba em ạ!"

Khi rãnh thì ông đem Gia phả ra viết lại. Ông cố hoàn thành cái cuốn gia phả của đại gia đình, chúng tôi thế hệ thứ 3 sống tại VN, thế hệ thứ 2 chỉ còn lại mỗi ba tôi, ông từ Trung quốc qua VN khi ông mới gần đôi mươi, chúng tôi cũng biết dăm ba chữ Hán, tuy nhiên để giỏi như Ba thì không thể, trong xóm nếu cần bài văn điếu gì thì cả làng đều đến nhờ ông viết, ông viết văn điếu rất hay, chữ lại đẹp, đọc như thơ vậy. Tôi vẫn còn giữ mãi những câu đối ông viết để dán ở cửa ra vào phòng thờ của gia đình nhỏ của tôi. Ngay cả bức liễn bàn thờ của gia đình nhỏ của tôi cũng do cha viết và lặn lội mang lên BH cho tôi.

Ông giỏi văn và giỏi cả võ, vậy mà ông chẳng truyền võ cho đứa con nào cả, ngoài ra ông còn biết một số châm cứu gia truyền, ông biết bấm huyệt chữa bệnh, suốt quãng đời của ông ông cứu cũng không ít người, bên ông luôn có ít ngải cứu khô bên người (được phơi khô theo cách làm thuốc), khi bất ngờ có người bị đau bụng, bị trúng gió, thì ông rút ngải cứu ra đốt cho vài huyệt, thế là khỏi, và bản thân ông từ hồi nào tới giờ, ông chẳng bao giờ phải vào bệnh viện cả, ngoại trừ một lần lúc đó ông đã ngoài 70s hôm đó có lẽ ông chưa ăn sáng, nên trong khi đi bộ lên nhà chị gái tôi chơi, thì ông bị trúng gió bị xỉu bên đường, được người quen đưa về, sau đó cũng chỉ nhờ vào châm cứu mà ông bình phục lại, từ đó ông đi đứng hơi yếu tí.

Thời gian sau này khi ông yếu hẳn, đi đứng khó khăn (ông cao tới 1.79m) hình như cao lắm, có lẽ do ông gầy, trước giờ ông gầy cao, tôi đưa ông về sống ở trong gia đình nhỏ của tôi cho tới ngày ông mất.

Tôi là con gái thứ của ông, em dâu tôi là giáo viên ở huyện, tất bật con nhỏ, rồi tất bất chuyện đi dạy học, em trai tôi là BS thú y, Kỹ sư chăn nuôi, thấy em vất vả vì công việc, việc nhà không có người giúp việc, thế là tôi đón cha về ở với gia đình tôi.

Những ngày tháng ông sống ở nhà tôi, tôi vẫn nhớ dáng ông ngồi ở bên hiên để viết lách, ông thường nói chuyện và dặn dò tôi, cũng như mẹ tôi, ông không nói về bất cứ lỗi lầm nào của các con, mà ông chỉ dặn dò, chỉ nói những điều tốt, ông hãnh diện về tất cả điều tốt dù nhỏ nhặt nhất của chúng tôi, đặc biệt là của tôi, vì các chị từ Mỹ về hay các chị từ các nơi (con của các bác tôi nhưng có người già hơn hoặc bằng ba) rất quí tôi và thường nói rằng : "chú thương em lắm, các chị thương nghe chú nói nhiều về em...", có lẽ do tôi là đứa con hiền nhất nhà.

Hoặc ông thường ngồi ở cái giường nhỏ kê thêm ở trong phòng ngủ của ông, cái phòng có một cửa nhìn ra ra cái sân nhỏ, có gió mát, và một cửa nhìn ra phòng ăn, ông nhìn chúng tôi - con cháu - đi qua đi lại, nếu thấy đứa nào không đi làm việc thì ông hỏi sao hôm nay không đi làm, ông vui vì chúng tôi đi làm, vui vì chúng tôi có việc để làm, vui vì các cháu ngoại (con tôi) giỏi dắn chúng học xong thì ở lại SG làm việc, hàng tuần các cháu từ SG về nhà, có tí quà nhỏ cho ông, ông cũng vui.

Lúc ông cần về quê, thì chồng tôi lại lái xe hoặc thuê cái xe nhỏ đưa ông về quê chơi vài ngày với các cháu nội của ông. Sau đó lại chúng tôi lại đón ông trở về nhà tôi để ở.

Năm 2005, đám cưới con gái lớn của tôi, cháu ngoại của ông, vào tháng 2 AL lúc đó ông yếu lắm, ông nằm trên giuờng mà vui mừng chúc phúc cho cháu ngoại, và rồi vào ngày đầu tháng 3AL sau giấc ngủ, khuya ông thức giấc gọi chúng tôi, vợ chồng tôi và vợ chồng cậu út - em trai tôi cũng ở chung với gia đình tôi. Tôi cuống quít định đốt ngải cứu cho ông như mọi lần nhưng không kịp.. Ông liếc mắt nhìn một lượt chúng tôi, rồi  mặt ông đỏ lên ông thở hắt ra mà ra đi ...

Ông đợi tôi gả con gái tôi xong, đợi tôi đi công tác ở Campuchia về - dạo ấy tôi chỉ qua Campuchia có 10 hôm rồi lại về Cty bên VN làm việc - Hôm đó tôi đi công tác về nhà đã được hai đêm, mỗi tối tôi vẫn bắt ông uống thêm nước sâm (tôi thái sâm ra ngâm với nước nóng thay trà cho ông uống) và ông thường nhăn mặt khi uống, uống vài muỗng rồi lại nằm. Tối hôm đó tôi đi làm về đến nhà lúc khoảng gần 7 giờ tối, vào thăm ông thì ông đã ngủ. Vậy mà sáng dậy ông đã nhẹ nhàng ra đi...

Cha tôi mất đi rồi, tôi mới chợt nhớ, ngoại trừ vợ chồng cậu Hồ người trực tiếp phụng dưỡng cha mẹ tôi, chị gái lớn của tôi cũng ở Định Quán chạy qua chạy lại thăm ông. Đến khi tôi đón ông về Biên Hòa ở với tôi thì vợ chồng cậu út chăm sóc cho cha và mấy đứa em gái tôi cũng ở quanh đó chạy qua chạy lại mua sầu riêng, yahourt cho cha ăn, thì cha tôi chưa hề một lần nhập viện bao giờ, BA TÔI không có bệnh gì phải nhập viện, ông không để cho chúng tôi có cơ hội đôn đáo lo lắng cho ông. Những năm ở nhà tôi, lúc đầu ông còn ăn cua luộc, ăn thịt, sau này ông không chịu ăn thịt nữa, thế là chúng tôi nấu cháo đậu và nước thịt xay cho ông ăn, nước sâm ông cũng chỉ uống qua loa, ông chỉ thích ăn yahourt, ăn sầu riêng và hút thuốc lá... Rồi sau khi gả con gái tôi đi thì gần một tháng sau ông chỉ yếu dần đi và ông nhẹ nhàng ra đi, ông đi vào ngày mùng 1/3 ngày ăn chay.


VÀI TẤM HÌNH CHỤP HÔM LỄ ĐẠI THỌ CHO BA TÔI Ở ĐỊNH QUÁN.


Cha tôi và cậu Hồ chuẩn bị cúng tổ tiên mừng lễ đại thọ cho cha tôi.



Những đứa con của người bạn già hàng xóm khi xưa của gia đình tôi cũng về mừng cha.


Mấy chị em tôi cùng với những người bạn hàng xóm thủa niên thiếu ở Cam Ranh.




Hình cha ruột tôi và cha chồng chụp hôm làm lễ đại thọ cho ba tôi.


2. CHA CHỒNG CỦA TÔI

Còn Cha chồng tôi, sau khi mẹ chồng tôi mất (1997), năm đó ông 78 tuổi, thì hai vợ chồng đứa con trai nuôi của ông, đứa con mà ông bà chăm bẵm từ khi còn đỏ hỏn đến khi xây dựng gia đình cho chúng, cho vàng bạc để tạo dưng sự nghiệp, cho đất để con làm nhà ở, người mà ông bà yêu thương hơn cả đứa con ruột duy nhất là chồng tôi, nói với tôi rằng "anh chị Hai đưa ba về trển đi, em vất vả mấy mươi năm rồi..."

Vì ông rất thương các cháu nội ở quê (con của em nuôi chồng tôi), nên ông không muốn đi, vì từ bao nhiêu năm ông sống đã sống và lập nghiệp ở vùng Định Quán, từ khi nơi ấy còn là rừng thiêng nước độc, khi mà trời đất từ sáng đến tối lúc nào cũng mù sương, ông bà nhờ có bà ngoại Rober, người có cái nhà ngay dưới chân núi có tượng Phật Thích ca ngồi hướng về phía Đà Lạt, ai đi qua Định quán thấy đá Ba chồng cũng sẽ nhìn thấy tượng Phật ấy, tượng Phật ngự trên cao ấy cũng có rất nhiều sự đóng góp của bà, bà đã giúp đỡ cho cha mẹ chồng tôi. Bà và cha mẹ tôi là người cũng nổi tiếng ở vùng đó. Sau giải phóng thì chỉ sống bằng vào của cải còn lại vì đất đai thành đất công, tiền gửi nhà băng thì khi bị chuyển đổi giá trị cũng chẳng còn là bao và đến ngân hàng xin rút ra cũng không rút ra được.

Vì ông không muốn về BH, vì ông không quen xa nhà bao giờ, khi mà người ta đã lớn tuổi rồi, phải lập lại cái gì mới thì cũng rất khó khăn, vì biết rõ ông, nên tôi cố nói với em dâu, vậy mà mặc tôi nói thế nào, nói rằng ba về trên ấy, anh chị đi làm cả ngày, các cháu thì đi học ở SG, nhà cửa vắng vẻ, ông lại sẽ nhớ các cháu, ông sẽ buồn, tôi hứa sẽ cho em dâu thêm tiền sinh hoạt phí, sẽ thuê người giúp việc, dù tôi nói thế nào đi nữa thì em dâu tôi cũng không chịu chăm sóc ông nữa, thế là tôi "đành phải" đưa ông về chung sống với gia đình tôi, vì chúng tôi là đứa con ruột duy nhất, con của người "vợ nhỏ" người chỉ sống chung với ông đến khi có bầu thì ông bị áp lực của má lớn bỏ mặc má nhỏ của tôi không để ý tới nữa, đến khi chồng tôi 7 tuổi thì mẹ ruột của chồng tôi vì muốn con đủ điều kiện để ăn học nên mới đưa chồng tôi về ở chung với ông và má lớn. Tôi nói "đành phải" vì ông rất không muốn xa rời nơi mà ông đã sống ở đó từ khi vùng Định Quán lúc đó còn hoang sơ cho đến bây giờ, và vì ông không muốn xa mấy đứa cháu nội của ông, mà ông rất yêu chúng.

 
Hình ông chụp vào dịp Tết năm 2005 Ât Dậu
lúc ông về sống chung với gia đình nhỏ của tôi ở Biên Hòa (1997-2005)

Thế là Ông về sống chung với chúng tôi từ năm 1997. Một hôm có lẽ trong lòng ông ân hận điều gì đó nên một hôm ông ngồi nói chuyện mà khóc với tôi, ông nói lời cám ơn tôi là suốt bao năm qua tôi đã chăm lo cho cuộc sống của ông bà khi về già ở Định Quán, bây giờ má mất lại phải đưa ông về đây chăm sóc ông.

Tôi nghĩ, sao ông lại phải nói cám ơn nhỉ, cha mẹ con cái ngoài nghĩa vụ còn là tình thâm, máu ruột ngoại trừ cái vô thường thì không có gì chia lìa được. Có lẽ ông ân hận vì những chuyện đã qua đối với chồng tôi và đối với chúng tôi, mặc dù tôi đã an ủi ông rất nhiều, tôi thường nói chuyện với ông, khuyên ông hãy quên đi chuyện cũ, hãy sống vui với con cháu, ông nói ông vui vì thấy cháu nội ông đã thành tài, thành người tốt, nhưng trong lòng ông sống ở BH mà lòng luôn nhớ về quê, nhớ về các đứa cháu gái của ông mà ông ở chung từ khi chúng chào đời đến nay đã thành thiếu nữ.

Tôi biết tâm lý của người già nên điện về bảo mẹ chúng là mỗi lần từ Định Quán lên Sài Gòn phải đi ngang qua nhà bác thì ghé thăm ông nội, nhưng hình như chúng quên hay sao đó nên chẳng thấy đứa nào ghé thăm ông. Thế là ông mòn mỏi với việc mong chờ và hoài niệm về việc đã qua, ông cảm thấy cô đơn vì chúng tôi đi vắng cả ngày, cô đơn vì mọi thứ. Hết xem TV lại đi ra đi vào. Những tháng đầu đón ông lên nhà ở, ông nhớ quê nhà, lúc ấy nhà tôi chưa mua xe hơi, nên chúng tôi phải thuê xe đưa ông về nhà nhiều lần trong một tháng, về chỉ ở được vài ngày thì em dâu lại điện lên gọi chúng tôi xuống đón ông về !





Hình chụp vào dịp tết cả nhà tôi về chúc Tết ông bà ở Định Quán vào năm 1997 


Hình ông bà và ba đứa con của tôi cùng hai cô cháu nội (con của em trai nuôi của chồng tôi)  vào dịp tết khi gia đình tôi về chúc tết ông bà.


Tôi biết nỗi cô đơn ấy, nên khi chuẩn bị đưa ông về BH, ngoài căn phòng chúng tôi sửa soạn cho ông, tôi còn đi tìm gặp một bà bạn cũ, cô Hai SG, bạn của cha chồng tôi, sau này là bạn chung của cả má lớn, tôi muốn đón bà về ở chung với cha, làm bạn già với ông cho vui những tháng ngày còn lại, nhưng mẹ ruột của chồng tôi và mấy đứa em gái con cô bên chồng không cho tôi đón, chúng nói "nếu nói chị Hai làm vậy thì khi ba trăm tuổi chị Hai sẽ vất vả", tôi không ngại vất vả tôi chỉ muốn cho ba có bạn già, người già cần nhất là được nói chuyện, nhưng cuối cùng vì bà con hai bên ngăn cản quá nên tôi không tiến hành nữa.

Và thế là Ông chỉ có chúng tôi và sống thui thủi như thế, ông chỉ thích nghe cải lương, xem TV, rồi nằm trong phòng. Từ khi ông lấy bà, ông luôn được mẹ chồng tôi chìu chuộng từng tí, ngày xưa khi ông ăn cơm là bà ngồi cạnh dùng dao nĩa cắt xẻ sẵn thức ăn cho ông, món nào ra món đó, bây giờ tự ăn một mình thui thủi.. Ông thích có tiền thế là hàng tháng chúng tôi đều đặn cho ông, Ông thích về quê là chúng tôi đưa ông về, ông không có thú vui gì khác là về quê thăm cháu, nhưng các cháu gái chúng cũng đã lớn cũng ít nói chuyện với ông, em dâu thì ông mới ở vài ngày thì điện lên đón ông về. Ông không biết hưởng cái vui như ông ngoại, vui vì con, vì cháu đã thành đạt, mà ông thì cứ mong chờ, mong chờ những cái ở đâu xa ... không được nên ông khổ, ông buồn...


Và khi tôi đưa ông ngoại cùng về ở chung trong nhà, thì 2 ông ở 2 phòng, ra vào khều qua khều lại tí, cha tôi nói tiếng Việt không giỏi lắm, tai lại lãng, còn ông nội thì cũng không biết gì để nói, thế là cô đơn lại hoàn cô đơn. Ông không cảm thấy vui theo cách của ông ngoại (cha tôi). Cha tôi khi sinh thời thì hay ra ngồi ở trước hiên nhìn ra sân, đem sách ra đọc và viết lách, còn ông thì chỉ xem TV, xong lại đi ra đi vào. Tôi cũng không biết phải làm sao cho ông hết nhàn chán. Ngoài sân có trồng cây cảnh, nhưng ông cũng không thích ra chăm sóc, mặc dù mỗi buổi sáng hay chiều về chồng tôi hay ra sân trước sân sau chăm các cây bonsai của anh ấy. Thế là tôi cũng không biết tìm ra việc gì cho ông làm để ông đỡ buồn chán.

Có lần chờ tôi đi làm về, ông nói với tôi rằng, nếu thương ông thì hãy để ông về quê sống chứ ở đây ông buồn lắm, thế là tôi cũng buồn theo lời ông nói, tôi cầm điện thoại lên điện quê cho em dâu tôi, tôi nói tôi sẽ lo đủ chi phí tiền bạc cho ba về quê sống, vì ba muốn vui ở quê có bạn bè hàng xóm, có các cháu ở bên cạnh, thì em dâu tôi không đồng ý, nói rằng cô ấy và các cháu phải lo làm ăn, về vài ngày thì được chứ ở luôn thì không được, vì không có người chăm sóc cho ông ..; chúng tôi nói điện thoại hơn nửa tiếng đồng hồ, thế mà cô ấy một mực, nói rằng cha tôi khó tính không ai chăm được, rằng về đó thì cô ấy và các cháu kg làm ăn gì được vì phải chăm cho ông (thím ấy và đứa cháu đầu làm thợ may), rằng v.v... thế là tôi đành đưa điện cho cha tôi nghe, nghe xong ông buồn, đi vào trong phòng của mình rồi tự mở TV xem một mình.


Và cũng sau đám cưới của con gái lớn của tôi, một thời gian thì cha chồng tôi bị đột quị nhập viện, vợ chồng em nuôi của chồng tôi cũng chỉ ghé qua tí thăm hỏi rồi đi, như chỉ là đi thăm hỏi người quen đâu đó, chứ kg phải là thăm lo cho người cha, người đã từng nâng niu thương chúng hơn cả đứa con ruột mình.

Tệ nhất là lúc cha bị liệt cả người nằm ở nhà tôi, vợ chồng chúng có về nhưng không phải về thăm và lo cho ông mà chỉ về để lục tủ ông lấy giấy CMND của ông để làm giấy tờ sang tên đất của bà ngoại Robert ở quê (nhưng hình như không được, vì đó là đất thừa kế). Tôi cũng vì những đối đãi cạn tình ấy của đứa con đối với cha mình, mà sau này khi ba chồng tôi mất đi, nhất là sau khi tụng kinh cúng 49 ngày cho ông xong, khi nghe em dâu tôi hỏi Thầy tôi rằng: "Thầy ơi con có thể thỉnh hình của ba con về nhà thờ được không?" Thì trong lòng tôi thốt lên tiếng trời! muốn cúng thì cứ rửa hình ra để lên bàn thờ, có gì mà phải hỏi Thầy nhỉ?"

Hôm cha mất trên ngón tay cha chỉ còn một cái nhẫn 2 chỉ vàng, hàng tháng tôi cho cả triệu đồng cho ông, ông cũng đem về cho cháu nội ở Đinh Quán, còn lại cái nhẫn cuối cùng tôi tháo ra đưa cho em trai nuôi của tôi trước dòng họ. Nêm khi em dâu nói thế với thầy tôi, thì TÔI, ngay cả tôi người mà tôi tưởng là hiền lành không hay chấp nhất nhât, thì tôi đã buông bỏ chúng ra khỏi lòng tôi từ khi cha chồng tôi mất đi.

Có lẽ đó là lối sống, là cách tư duy của từng người, ông ngoại thì thấy sanh lão bệnh tử là lẽ tự nhiên của con người, ông thường nói với chúng tôi như thế, tôi thấy ông chẳng sợ hãi mà nâng niu quí bộ áo quần may theo lối Trung Quốc bằng lụa Thượng Hải mà tôi đặt cho ông (bộ quần áo trong đó có vài cái áo mặc ngoài và cái áo dài mặc ở trong, có thể mặc lúc sinh nhật mừng đại thọ và có thể mặc lúc tẩn liệm); Còn ông nội thì vui buồn lo lắng theo cái thường tình của con người, bộ quần áo cho ông, tôi mua ở chùa, nhưng dấu biệt vì sợ ông nhìn thấy thì lo lắng. Riêng bà cố (tức mẹ ruột của ông nội) thì không thế, trong nhà ông lúc tôi về làm dâu, thấy trong phòng cạnh phòng bà ở có bộ áo quan đặt sẵn bằng gỗ tốt, và mấy bộ áo dài đỏ vàng của bà, lâu lâu thấy bà còn đem ra phơi.


Thế là hai ông ba của tôi, tuy cùng thế hệ nhưng có hai cách nhìn nhận khác nhau về sự hưởng thụ về tuổi già của mình.

Ngày tôi đi công tác xa về nhà được 2 đêm, thì vào rạng sáng hôm sau, ông ngoại đi về với tổ tiên rất tự nhiên, tôi chỉ kịp thức giấc nhìn thấy mặt ông và ánh mắt của ông nhìn qua tôi và em trai tôi một thoáng thì ông thở hắt ra và ông đã ra đi. Tôi vẫn thường nghĩ cha tôi đợi tôi về rồi mới ra đi, vả lại chúng tôi không có chuẩn bị tâm lý cho việc cha tôi ra đi, cha tôi không có bệnh hoạn, ngoại trừ yếu dần đi, ép lắm mới chịu uống tí nước sâm, ngoài ra chỉ ăn cháo, sau này phải xay ra, ăn yaourt, ăn sầu riêng, vào những năm cuối đời ông không chịu ăn thịt nữa, chúng tôi phải xay nhuyễn nấu cháo thì ông mới ăn tí.

Còn ông nội, hai tuần trước khi ông ngoại mất, thì ông nội bị tai biến, đang đứng bên cửa thì tự nhiên quị về một bên, thế là liệt nửa người, đi cấp cứu, một thời gian thì về nằm ở nhà. Nên khi ông ngoại mất, chúng tôi đưa về quê mà ông nội không biết nguyên nhân, ông tưởng ông Ngoại về quê chơi. Khi tang lễ cho ông Ngoại xong cả nhà trở về Biên Hòa, tôi đã bật khóc và muốn quỵ xuống khi thấy cha chồng chỉ sau vài ngày mà đã khác hẳn, nói năng không còn tròn trịa nữa, người ngày xưa phương phi trắng trẻo, bây giờ người gầy nằm xẹp xuống ở giường, không tự mình xoay trở được.

Tôi đưa ông Nội từ phòng của ông ra phòng ngoài của ông Ngoại nằm khi trước cho dễ chăm sóc, mua đệm nước cho ông nằm cho mát lưng chống lở. Mấy đêm đó tôi nằm ở giường nhỏ mà ông ngoại đã sử dụng khi trước, từng đêm tôi ngồi đó nhìn ông nội, nhìn lại cuộc đời tôi, nhìn cuộc đời của của từng người; tôi nấu nước các loại đậu để đút cho ông uống lúc tối khuya, tôi kiệt sức vì vừa đi làm vừa chăm cho ông vào buổi tối và vì cái buồn riêng của mình.

Sau đó, tôi thấy ông mãi trăn trở như có điều gì không thoát ra được, tôi hỏi ông có muốn nghe kinh sám hối không, thì ông nói ông muốn, thế là tôi thỉnh Hòa thượng, thầy của tôi đến nhà tụng kinh sám hối và kinh cầu an cho ông nội.

Cha tôi mất năm ông 83 tuổi vào lúc hơn 5g30 gần 6 giờ sáng ngày 1/3 năm Bính Tuất (2005), còn cha chồng tôi mất năm ông 86 tuổi vào lúc hơn 6 giờ sáng ngày 4/5 năm Bính Tuất, Sáng sớm hôm đó tôi đang ở Campuchia nghe tin tôi vội bay về VN, chiều mới về tới nhà, cả nhà chờ tôi về mới phát tang, mặc áo tang xong, tôi ngồi bên cạnh linh cửu của cha chồng mà tiếng nói tự nhiên bị tắt đi, phải mấy ngày sau tiếng nói mới trở lại bình thường. Thầy tôi điện nói với chúng bạn tôi rằng hãy về thăm nó, tiếng nó bị tắt rồi. Thầy chứng kiến hai người cha mất đi chỉ cách nhau hai tháng trong cùng một năm của tôi.

Cái cách của người ta sống và tạo dựng lúc tuổi thanh xuân sẽ là kết quả cho tuổi già.

TTM
PP. Chủ nhật, 20/12/2009 - 5/11 Kỷ Sửu 

3 comments:

  1. 1- Qua bài viết thấy bạn là người con gái chí thành chí hiếu.
    Ông cụ thân sinh của bạn thương con hết lòng khi đang mạnh khỏe, cho đến khi sắp rời cõi tạm này cụ cũng tìm cách đi nhẹ nhàng không muốn làm phiền con cái, đấy cũng là cách thương con - tình thương cuối cùng để lại cho con cháu. Nói theo đạo Phật thì kiếp trước cụ ăn ở hiền lành tích góp được nhiều thiện nghiệp Đức độ cụ đẻ lại cho con cháu như bức hoành dân gian truyền tụng "Đức lưu quang"
    2- Không hiểu người khác thì sao còn bu tui do dốt lịch nên ngồi nhẫm mài mới biết được Thân sinh bạn sinh năm Quí Hới (1923) và ra đi vào năm Át dậu (2005), Không biết bu nhẫm có đúng không nữa.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, Ông sinh năm Quí Hợi và mất năm Ất Dậu (2005) đó anh Bu ạ.
      Khi ông Ngoại mất đi, M mới thấy là cha chẳng để các con vất vả báo hiếu cho ông đó anh Bu ơi.

      Delete
  2. Ý bu là sau chữ Quý hợi thêm vào 1923, sau năm 2005 thêm vào Ất dậu cho người đọc khỏi phải nhẫm tính

    ReplyDelete

Những entries gần đây



2015-06-17 - 88,616 views

Song Ngư..

“Hòa vào dòng chảy, và luôn mong muốn bản thân thay đổi khác hơn ngày hôm qua.”






.. Và mây vẫn trôi giữa dòng đời bụi bặm... Người đi qua đời.. chợt.. cũ đến chẳng còn quen....

Thiên di



- Bớt ăn thịt, ăn nhiều rau
- Bớt ăn mặn, ăn nhiều chất chua
- Bớt ăn đường, ăn nhiều hoa quả
- Bớt ăn chất bột, ăn nhiều sữa

- Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều lần
- Bớt đi xe, năng đi bộ
- Bớt phiền muộn, ngủ nhiều hơn
- Bớt nóng giận, cười nhiều hơn

- Bớt nói, làm nhiều hơn
- Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn.





Dấu chân..

Flag Counter
15/02/2016 - 64,319 pageviews - 63 Flags colledted

Labels

Bảo Huyên (7) Bhutan (1) Biên dịch (12) Birthday (13) Bs Đỗ Hồng Ngọc (1) buigiang (1) Campuchia (9) Canada (3) carpenters (1) children (7) chinese (11) chinese12 (1) Cooking (1) culture (8) dalat (1) Đặng Thế Phong (1) Danh nhân (2) Đi đó đây.. (28) Đinh Thị Thu Vân (2) doanchuantulinh (1) Đọc sách báo (14) event (4) Facebook (1) family (8) france (2) Friend (50) Gia đình tôi (35) Hà Nội 2013 (9) hanoi (7) heomap12 (1) Hoa cỏ (14) hoa Đào (1) Hoa Đỗ Quyên (2) Hoa Kỳ. (6) Hoa Lộc vừng (3) Hoa Mai (2) Hoa Phượng. (1) Hoa Sen (1) Hoa Sứ (2) Hoa thay lời muốn nói. (3) hoa2 (3) hoa2012 (5) hoa3 (2) Học làm blogspot (7) Hồi Ức nằm đâu đó.. (7) impressive (1) Khánh Ly (2) khuc (1) kinhthi (2) lehuuha (1) life (4) Luận về cái tên TTM (1) memory (5) mixmusic (1) Món ăn (2) multiply3 (1) Mười hai con Giáp (2) music (18) musicpoem (2) New year (1) ngothuymien (2) Nguyễn Ngọc Chính (3) nguyensa (1) nguyentatnhien (1) nhạcphạmduy (1) nhạctcp (1) nhạctcs (3) nhạctrữtình (1) Như Thị (2) Những chuyến đi của tuổi 60 (15) Những điều trông thấy (1) nonfiction (1) phamduy (2) Phong tục tập quán (1) poem (26) poem10 (14) poem12 (4) Quotation (4) Russia (1) Sài Gòn. (3) saigon (4) Sức khỏe là Kim cương (8) Sưu tầm (4) tagore (1) taiwan2012 (11) Tản mạn (30) tcp (2) tcs (6) Thơ's TTM - Remil Nguyễn phổ nhạc. (1) Tibet (4) Tiễn biệt (3) Tôi (105) Tôi ở góc trời. (1) tovu (1) Trang Tôn giáo (14) travel (5) travelcambodia11 (9) travelcambodia12 (1) Truyện ngắn (3) uk (1) uyenlinh (1) Viếng cảnh chùa (1) vietnam (4) vta (1) Vũng Tàu (3)

Luôn nhớ!

Bạn đã ghé thăm đó ư!

Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

Mutiply 27/02/2013: 315,715 pageviews; 118 flags collected
free counters



Người xin lỗi trước là người dũng cảm nhất.
Người tha thứ trước là người mạnh mẽ nhất.
Và người lãng quên trước sẽ là người hạnh phúc nhất...