Thursday, January 16, 2014

Chuyện mèo chuột

(hình sưu tầm)

Bài viết của: Nguyễn Dư

Mèo và chuột vốn xung khắc nhau. Mèo bắt chuột, chuột sợ mèo. Có lẽ vì vậy mà lịch tàu dùng Chuột và Thỏ để tượng trưng cho năm Tí và Mão, chứ không dùng Chuột và Mèo như lịch ta chăng ? Muốn nói gì thì nói, ai cũng phải đồng ý là mèo và chuột ghét nhau. Có chắc là mèo chuột lúc nào cũng ghét nhau không ? Nếu ghét nhau thì tại sao người miền Nam lại gọi chuyện yêu đương của trai gái là... chuyện mèo chuột. Yêu nhau như ... mèo yêu chuột à? Giễu dở !

Không phải giễu và cũng không dở đâu.




Người xưa nghiêm túc lắm. Các vị tiền bối cũng nghĩ rằng mèo và chuột không thể dung dăng dung dẻ, chung sống hoà bình với nhau được. Các cụ chỉ muốn dạy con cháu rằng khi nào mèo và chuột bỗng dưng rửng mỡ ăn nằm với nhau, quấn quýt bên nhau thì... Chu choa, tụi bay phải coi chừng. Đấy là một dấu hiệu đáng lo ngại. Đáng lo như chuyện lí trưởng... ngồi hầu trà thằng mõ. Đáng ngại như chuyện quan huyện mời Thị Mẹt vào dinh ăn uống. Người xưa gọi mấy sự cố này là chuyện miêu thử đồng miên (mèo chuột cùng ngủ... mí nhau). Thành ngữ ám chỉ việc người trên và người dưới cùng nhau mưu làm việc gian. Lí trưởng và thằng mõ đang mưu tính hại người nào đây ? Quan huyện và Thị Mẹt gặp nhau nếu không phải để đấm bóp tay chân thì cũng là để đú đởn miệng lưỡi gì đây ?

Chuyện miêu thử đồng miên của phong kiến được bà con trong Nam cải biên thành chuyện mèo chuột của trai gái.

- Thằng Út mới mèo được con Năm.

- Ủa, té ra thằng Út không phải là mèo của con Tám sao?

Tại sao phương ngữ miền Nam lại gọi người tình, cả trai lẫn gái, là " mèo"?

Xưa kia, Khổng giáo quan niệm rằng liên hệ trai gái phải được sự thoả thuận, sắp đặt của cha mẹ đôi bên. Cô cậu nào tự ý đi tìm hiểu nhau, chẳng hạn như cô Kiều ban đêm đi gặp Kim Trọng, là vượt ra ngoài vòng lễ giáo. Xã hội xưa không chấp nhận những cuộc tình "vụng trộm, gian dối " như vậy. Trai gái yêu nhau lén lút là một trường hợp miêu thử đồng miên. Vì vậy mà giới bình dân mới gọi chuyện trai gái là chuyện mèo chuột. Người tình được gọi là mèo.

Trẻ con có chuyện mèo chuột không? Có chứ ! Chuyện mèo chuột của trẻ con là:

Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đằng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo

Trẻ con, người lớn, ai mà chả thuộc bài ca dao dí dỏm và dễ hiểu này. Vô lí như vậy mà bảo là dễ hiểu à? Ấy chết! Có vấn đề sao? Lù lù như cây cau mà không thấy à? Ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên trái đất này, có chú chuột nào khoẻ hơn cả ông Hạng Võ để trèo lên sống trên cây cau thẳng đứng, cao sừng sững cả chục mét kia không? Ăn cái giải gì trên ấy? Chuột chỉ quen leo trèo, kiếm ăn quanh quẩn trong nhà, ngoài vườn thôi.

Triết lí của người lớn cao siêu như thế thì làm sao trẻ con hiểu nổi?




Dân gian có tranh mèo chuột. Nhưng mù mờ lắm. Nói đúng hơn là ỡm ờ. Tấm tranh Tết vẽ mèo chuột của ta lúc thì được gọi là tranh Đám cưới chuột, lúc khác lại gọi là Trạng chuột vinh quy. Gọi tên này hay tên kia đều chỉ... đúng một nửa, sai một nửa. Điều này đã được bàn kĩ trong bài Ngày Tết, thử bàn về một tấm tranh Tết. Xin nhắc lại câu kết luận là người vẽ đã oái oăm ghép hai đám rước hoàn toàn khác nhau trong cùng một tấm tranh. Nửa trên là đám rước dâu ở thôn quê. Lũ chuột đang bị mèo già chặn đường đòi đút lót. Tranh minh hoạ bài thơ Đám cưới chuột của vùng đất Liễu Đôi. Nửa dưới của tấm tranh là đám rước trạng nguyên, có "ngựa chàng đi trước, kiệu nàng theo sau". Lối ghép tranh kiểu này còn được thấy trong tấm "rước tiến sĩ văn và rước tiến sĩ võ".

***

Mèo chuột thỉnh thoảng được văn học nói tới. Chuột bị gán nhiều tội.

Nguyễn Đình Chiểu viết Thảo thử hịch (Hịch đánh chuột) , trách vua quan thời nhiễu nhương:

Sách Lỗ sử biên câu "thực giác", vì miệng ai cho nên vua lỗi đạo thờ trời; thơ Quốc phong đề chữ thực miêu, vì miệng ai cho nên dân xa làng bỏ đất?

Thực giác nghĩa là khoét sừng. Chuột nhắt khoét sừng con trâu dùng tế trời. Thực miêu nghĩa là cắn lúa. Chuột thuộc loài thạch thử ăn hại lúa mạ.

(Bảo Định Giang, Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Văn Học, 1971, tr. 243).

Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng Ghét chuột (Tăng thử) , cũng nói đến cái sừng trâu:
Ninh đạo Lỗ ngưu dốc (Thà ăn trộm cái sừng trâu nước Lỗ).

Cái sừng trâu được giảng bằng một điển tích khác : Dân nước Lỗ bị nạn đói kém, phải đem chiếc tù và làm bằng sừng trâu hầm lấy nước, chia nhau để cầm hơi. Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn nói rằng loài chuột nếu có đói thì đi gặm nhấm các thức khác (yên ngựa, sừng trâu) chứ đừng có ăn hại lúa.

Chuột còn tội khác, đáng ghét hơn tội ăn hại lúa:

Thành xã ỷ vi gian
Thần nhân oán mãn phúc
(Chốn thành xã dựa vào mà làm điều gian
Cả thần và người đều oán chứa đầy bụng)

Sách Tấn thư chép chuyện Tạ Côn nói rằng: "Lưu Ngỗi gây ra mối hoạ loạn đấy, nhưng y là con cáo ở tường thành, con chuột ở đàn xã". Ý nói con cáo làm hang trong tường thành, con chuột làm tổ trong đàn xã là đã dựa vào những uy thế không ai dám xâm phạm đến. Không ai dám đào hang cáo ở tường thành là vật để bảo vệ nội thành, không ai dám đào hang chuột ở đàn xã là nơi thiêng liêng thờ thần đất của nhà vua, cho nên những vật độc hại như con cáo, con chuột vẫn có chỗ ẩn náu mãi.

(Đinh Gia Khánh, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Văn Học, 1983, tr. 304)

Con chuột của ngày xưa lột xác, trở thành bọn đục khoét công quỹ, có ô dù che chở của ngày nay.

Có lẽ chỉ có Nguyễn Khuyến mới thương hại chuột bị đói (Cơ thử) :

Bọn mi nương xó tường ta,
Bấy lâu êm ả trong nhà không sao.
Phải khi gạo kém thóc cao,
Bọn mi lục đục cắn nhau bao lần.

(...)

Xóm tây qua đã gặt rồi,
Bọn mi sớm liệu mà rời sang ngay...

(Chuột đói , bản dịch của Dương Xuân Đàm)

Nguyễn Khuyến thương hại lũ chuột gặp năm mất mùa bị đói. Nếu chỉ có vậy thì tình thương dành cho chuột của Nguyễn Khuyến cũng đáng khen. Nhưng ông lại khuyên chuột nên sang nhà hàng xóm kiếm ăn. Không biết nhà hàng xóm có vui vẻ chấp nhận hành động gắp lửa bỏ tay người của Nguyễn Khuyến hay không?

Hồ Huyền Quy soạn truyện Trinh thử (Chuột trinh tiết) để ca ngợi đàn bà nước ta.



Ít người biết truyện ngụ ngôn Chuột nhắt chống mèo.

"Ngày xưa, tại làng kia có một gia đình giàu có. Nhà ngói, cây mít. Ao sâu cá mè. Trâu, bò, gà, lợn. Nhưng vợ chồng phú ông hiếm hoi. Nhà không có trẻ con. Ông bà nuôi chơi một con mèo tam thể cho vui cửa vui nhà. Số mèo thật là sung sướng. Ăn uống no nê. Cả ngày rong chơi. Nhưng trời bẩm sinh mèo hay la cà, thích chui vào tận xó xỉnh rình bắt chuột. Bắt để chơi, cắn chết, rồi tha ra vứt ngoài sân. Mỗi lần phải quét dọn phú bà lại nổi cáu quất cho mèo một trận. Nhưng mèo vẫn chứng nào tật nấy. Đám chuột nhắt sống trong phập phồng lo sợ.

Một ngày kia, lũ chuột bảo nhau phải tìm cho ra giải pháp chống lại mèo. Một hội đồng chuột được triệu tập, họp bàn sôi nổi.

- Phải mời lão chuột cống sang giúp một tay.

Ồ! Giải pháp hay như vậy mà lâu nay không ai nghĩ ra. Đúng rồi, chỉ có lão chuột cống to lớn kia, một mình thoát khỏi được cả bẫy chuột, mới đương đầu nổi với mèo.

Hội đồng chuột quyết định khiêng hết mấy hạt gạo tấm, mẩu cá khô, tí cơm nguội để dành trong hang ra sửa soạn đồ lễ. Đêm nay rước ra mé bờ ao, xin gặp lão chuột cống.

Đúng là danh bất hư truyền. Lão chuột cống khoẻ thật. Chỉ loáng một cái là ăn hết sạch mâm đồ lễ. Ăn xong, lão đủng đỉnh đặt điều kiện. Hai bên kì kèo mãi mới xong.

Chuột cống bày kế... Hay! Hay! Phen này Gia Cát Lượng cũng phải chịu thua. Chờ ngày tốt, giờ tốt, sẽ ra quân...

Đêm nay trăng soi vằng vặc ngoài sân. Phú ông trằn trọc, phú bà cũng trằn trọc. Cả hai đang ngứa ngáy, mất ngủ. Bỗng nghe có tiếng động ở gian bên cạnh. Rồi loảng xoảng, đổ vỡ. Trộm ! Trộm đang vơ vét bàn thờ. Ông bà vùng dậy, mở cửa chạy sang phòng bên đuổi trộm. Nhưng không có trộm. Trước mặt ông bà chỉ có con mèo đang lồng lộn đuổi mấy con chuột trên bàn thờ. Lũ chuột thoáng hiện, thoáng biến. Chúng len lỏi sau cái lư đồng, chạy quanh bát nước cúng, bình hoa, đĩa quả. Chỗ nào cũng thấy chuột. Mèo hoa mắt, cuống cuồng đuổi bắt tứ tung. Lũ chuột ra hiệu ngầm cho nhau, lặng lẽ rút lui. Mèo tiếp tục tung hoành giữa đổ vỡ. Vợ chồng phú ông tái mặt. Ông vớ cái phất trần, bà vớ cái chổi, cùng đuổi đánh mèo.

Sáng ra, phú bà xích cổ mèo, dắt ra chợ. Lão hàng thịt khoái chí mua được món đồ nhắm rẻ như bèo. Phú bà vừa đi vừa lầm bầm đếm tiền. Đến trước cửa hàng tạp hoá, bà ghé vào mua mấy gói thuốc chuột...".

Có nơi kể thêm...

"Lũ chuột nhắt liên hoan cám ơn chuột cống. Tất cả đều đồng ý mời chuột cống ở lại. Đời sống từ nay không còn chết chóc. Nhà nhà vui tươi, hạnh phúc.

Nhưng chẳng bao lâu, một tai hoạ khác lại giáng xuống... Lão chuột cống ăn ghê quá. Kho dự trữ hết sạch. Đồ tha về hàng ngày không đủ. Đó đây bắt đầu xì xào ta thán.

Hội đồng chuột lại họp bàn.

Có kẻ hiến kế. Hay! Hay! Phen này thì có chạy đằng trời!

Lũ chuột nhắt rỉ tai nhau từ nay hễ thấy cơm nguội tẩm thuốc chuột thì phải tha hết về dấu trong hang. Tích tiểu thành đại. Bao giờ được nhiều sẽ đem ra khao lão chuột cống".

***

Trong đời sống hàng ngày, tiếng Việt có vài thành ngữ dính dáng đến chuột.

- Chuột sa chĩnh mỡ (hay chĩnh nếp, chĩnh gạo) ca ngợi mấy ông gặp may, không biết tiền từ đâu mà cứ đổ vào ào ào như nước, múc đi không hết. Thành ngữ này ngày xưa ám chỉ mấy chuyên gia "kĩ sư đào mỏ", đào được tảng kim cương. Phần nhiều là kim cương có tì vết. Thời buổi khó khăn, được cơm no bò cưỡi là khá rồi.

Tuy nhiên, phải đề cao cảnh giác. Ông nào không may rơi vào... lọ mỡ thì đáng buồn lắm. Lọ mỡ không phải là chĩnh mỡ. Khách mày râu nào bị phái yếu chê là Đuôi chuột ngoáy lọ mỡ thì... chui xuống gầm giường mà trốn. Không khéo lại cơm hỏng bỏng không. Có ngày mất cả bò để cưỡi. Mất cả mảnh đất màu mỡ để đâm xới.

- Đầu voi, đuôi chuột là thành tích của giới khoác lác, huyênh hoang. Lời nói không đi đôi với việc làm. Hứa nhiều thực hiện ít. Dự án vĩ đại, kết quả chẳng ra gì. Đầu đuôi không tương xứng.

- Cháy nhà, ra mặt chuột chê bọn vô tài, thất đức, bọn ngồi mát ăn bát vàng, gặp biến cố bị lộ chân tướng.

Léopold Cadière sưu tầm được một thành ngữ khá hay:

- Chuột bầy làm chẳng nên hang. Nghĩa là "thiếu lãnh đạo thì nhiều người cũng chẳng làm nên trò trống gì".

Nguyễn Dư
(Lyon, Tết Mậu Tý 2008)


--> Read more..

Những con ngựa nổi tiếng trong sử sách Trung Quốc


Năm Giáp Ngọ gần đến gặp ngay bài báo viết về mấy chú ngựa này cũng thật là hay!

TTM.
PP. 16/01/2014





Ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường có màu đỏ nổi bật, Ô Vân Đạp Tuyết của Trương Phi lại có màu đen như chủ nhân... là đặc điểm của những con ngựa nổi tiếng thời cổ đại.

1. Ngựa Xích Thố

Anh hùng có Lã Bố, tuấn mã có Xích Thố.
Tranh: Baidu


Trong số những con ngựa nổi tiếng thời cổ đại, đầu tiên phải nhắc đến Ngựa Xích Thố thời Tam Quốc. Con ngựa này dài một trượng, cao tám thước, màu đỏ rực như lửa, tuyệt không có một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối dễ dàng.

Ngựa Xích Thố từng qua tay rất nhiều chủ. Chủ nhân đầu tiên của Xích Thố là Đổng Trác (132-192), tướng nhà Đông Hán (năm 25-220). Trong triều đình lúc bấy giờ, có rất nhiều người khinh thường con người tàn bạo như Đổng Trác, trong đó có Đinh Nguyên, cũng là một tướng nhà Đông Hán. Trong một lần họp triều, Đinh Nguyên đã chửi thậm tệ vào mặt Đổng Trác, Đổng Trác định chém Đinh Nguyên thì con nuôi của Đông Nguyên là Lã Bố từ phía sau xông lên, khí chất anh hùng của Lã Bố đã khiến cho Đổng Trác sững lại, đành phải nhượng bộ. Từ đó, Đổng Trác nảy sinh ý định thu phục Lã Bố.

Vì muốn tiếp cận và thu phục Lã Bố, Đổng Trác đã đem Xích Thố tặng cho Lã Bố. Lã Bố sau khi có được ngựa quý quả nhiên đã giết chết chủ cũ của mình là Đinh Nguyên, quy phục dưới chân Đổng Trác, và trở thành con nuôi của Đổng Trác.

Ngựa Xích Thố đã cùng Lã Bố chinh chiến khắp nơi. Trên chiến trường, ông chuyên cưỡi ngựa Xích Thố, như một mãnh hổ tả xung hữu đột, vạn người không địch nổi. Sau này, Lã Bố bị trúng kế của một đại thần nhà Đông Hán, giết chết Đổng Trác. Sau đó Lã Bố bị Tào Tháo giết, ngựa Xích Thố thuộc về Tào Tháo, một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán.

Có lẽ do duyên số, Quan Vũ hay còn gọi là Quan Vân Trường, một trong những người có công lớn thành lập nhà Thục Hán vào thế kỷ thứ 2, vì muốn bảo vệ hai vị phu nhân của người anh em kết nghĩa của mình là Lưu Bị đã tạm thời về phe Tào Tháo. Tào Tháo vô cùng quý mến nhân tài như Quan Vũ, cũng muốn bắt chước Đổng Trác tặng ngựa cho anh hùng.

Nhưng Quan Vũ không như Lã Bố, ông tiếp nhận Xích Thố là để tìm được Lưu Bị nhanh hơn. Sau khi Quan Vũ bị giết, Xích Thố lại rơi vào tay một viên tướng nhà Thục Hán khác là Mã Trung. Nhưng lần này nó không còn ngoan ngoãn đi theo chủ nhân mới như trước, mà tuyệt thực đến chết.


2. Ngựa Tuyệt Ảnh

Ngựa Tuyệt Ảnh hy sinh thân mình cứu chủ.
Tranh: Baidu


Ngựa Tuyệt Ảnh là ngựa yêu của Tào Tháo (155-220). Tuyệt Ảnh có nghĩa là phi rất nhanh, đến cái bóng cũng không đuổi kịp được.

Tương truyền, khi Tào Tháo tấn công Trương Tú, Trương Tú dâng thành đầu hàng Tào Tháo. Trương Tú là cháu gọi Phiêu kỵ tướng quân Trương Tế bằng chú. Sau khi Đổng Trác bị giết năm 192, Trương Tế cùng các tướng khác của Đổng Trác mang quân đánh vào Tràng An, lại nắm vua Hán Hiến Đế, thao túng triều đình như Đổng Trác trước đây.

Tuy nhiên, Tào Tháo không ngờ lại bị trúng kế của kẻ thù, bị đánh bất ngờ, trở tay không kịp, suýt nữa thì bị mất mạng. May có ngựa Tuyệt Ảnh mới thoát được ra ngoài.

Ngựa Tuyệt Ảnh bị trúng ba mũi tên trên mình mà vẫn cất vó phi nước đại, sau đó bị trúng một mũi tên vào mắt mới gục ngã. Trong trận chiến này, Tuyệt Ảnh đã hoàn tất sứ mạng của mình.

Đây là một thất bại nữa của Tào Tháo kể từ sau trận Xích Bích. Trong trận đánh này, Tào Tháo bị mất một con trai, Tào Ngang, một cháu trai, Tào An, và một con tuấn mã, Tuyệt Ảnh. Có thể nói đây là một thất bại thảm hại của Tào Tháo.


3. Ngựa Đích Lô

Ngựa Đích Lô cứu mạng chủ nhân.
Tranh: Weibo


Đích Lô vốn là ngựa của Trang Vũ, vốn là một tướng của một danh sĩ dòng dõi hoàng tộc nhà Hán là Lưu Biểu nhưng sau này phản bội lại Lưu Biểu. Lưu Bị (người sáng lập ra nhà nhà Thục Hán) bị thất bại trong trận giao chiến với Tào Tháo nên về đầu quân cho Lưu Biểu vì hai người cùng trong hoàng thất, đợi thời cơ làm lại sự nghiệp.

Lưu Bị nhìn thấy ngựa của Trương Vũ cho rằng đây là một con tuấn mã, liền hết lời ca ngợi rằng "con ngựa này chắc chắn là ngựa thiên lý". Tướng của Lưu Bị lúc đó là Triệu Vân lập tức hiểu ngay ý của chủ nhân, liền giết chết Trương Vũ để cướp ngựa. Triệu Vân là danh tướng thời cuối Đông Hán và thời Tam Quốc, người góp công lớn thành lập nhà Thục Hán.

Khi Lưu Biểu nhìn thấy con ngựa này cũng khen không ngớt lời. Lưu Bị đang không biết lấy gì để báo đáp Lưu Biểu liền tặng con ngựa này cho Lưu Biểu. Không ngờ, Lưu Biểu lại thấy con ngựa này "có quầng mắt, trên đầu có những đốm trắng, lại tên Đích Lô, ắt là con ngựa sát chủ", còn nói rằng "Trương Vũ cưỡi con ngựa này bị chết" chính là minh chứng, nên vội vàng tìm cớ trả lại cho Lưu Bị.

Người hầu của Lưu Bị đem tin "ngựa sát chủ" nói cho Lưu Bị, nhưng Lưu Bị không tin. Sau đó, khi nhận được mật báo có người định sát hại, Lưu Bị vội vàng thoát ra ngoài, cưỡi ngựa Đích Lô chạy trốn, nhưng bị nhầm đường, ông chạy đến bên suối Đàm Khê.

Phía trước là con suối rộng lớn, phía sau là quân địch truy đuổi, lúc này Lưu Bị mới nhớ đến lời khuyên "Đích Lô sát chủ" ngày trước, ông vừa điên cuồng quất vào lưng ngựa, vừa hét: "Đích Lô! Đích Lô! Hôm nay mày hại ta đi!". Đích Lô bỗng nhiên vùng lên, phi một phát sang bờ bên kia, lập một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử. Sau đó, Lưu Bị càng không tin chuyện "Đích Lô sát chủ" , ông càng yêu quý con ngựa đã cứu mạng mình này hơn.

Khi đem quân đi đánh nước Thục, thấy ngựa của Bàng Thống, một trong những mưu sĩ của Lưu Bị, già yếu quá, nên để thể hiện sự trọng dụng của mình với Bàng Thống, Lưu Bị đã đem ngựa yêu của mình tặng cho Bàng. Ai ngờ Bàng Thống không có phúc được hưởng, vừa mới cưỡi lên Đích Lô đã bị kẻ địch tưởng nhầm là Lưu Bị nên bắn chết. Sau này ngựa Đích Lô cũng không rõ lưu lạc về đâu.


4. Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử

Dạ chiếu ngọc sư tử.
Tranh: Baidu


Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử toàn thân lông trắng như tuyết, tương truyền một ngày có thể đi hàng nghìn dặm. Ngay từ khi mới sinh ra phía dưới cổ đã có một hàng lông dày, trông giống như sư tử, tính khí nóng nảy, sau này lớn lên tính khí bớt nóng nảy hơn, buổi tối con ngựa này còn phát ra ánh sáng trắng bạc, vì vậy mới có tên là Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử .

Con ngựa này của Triệu Vân, sống vào khoảng thế kỷ thứ hai. Tương truyền, Triệu Vân đóng quân ở trên núi Trường Bản xuất quân đi đánh trận đều cưỡi Dạ chiếu ngọc sư tử, có lần Triệu Vân cùng ngựa bị rơi xuống hố bẫy sẵn của quân địch, tưởng chừng không thể thoát thân. Nhưng sức ngựa rất lớn, cuối cùng cũng nhảy được lên trên miệng hố, cứu chủ nhân thoát chết. Trong bộ tiểu thuyết Thủy hử cũng từng nhắc đến con ngựa này.


5. Ô Vân Đạp Tuyết

Ngựa Ô Vân Đạp tuyết.
Ảnh: Baidu


Ô Vân Đạp Tuyết còn có tên là Vương Truy Mã, sống ở thế kỷ thứ hai, toàn thân màu đen nhưng bốn vó màu trắng. Đây là ngựa của Trương Phi, người anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Quan Công, được coi là anh hùng tuấn mã.

Ngựa của Trương Phi có tên rất ý nghĩa, Vương Truy Mã có nghĩa là con ngựa đi theo hầu hạ Đại Vương. Tương truyền Trương Phi và Ô Vân Đạp Tuyết đều đen như nhau. Trương Phi quý chú ngựa này như con đẻ, thường xuyên tự tay tắm rửa cho ngựa quý.

Người đời về sau thường nói người dũng mãnh cưỡi ngựa dũng mãnh. Quan Công từng nói: "Người tôi nặng nề, ngựa không vác nổi nên thường hay gầy, chính vì vậy mà tôi không thể cưỡi ngựa bình thường được". Trương Phi cũng như vậy, ngựa bình thường thì không thể xứng với hào khí phi thường của Trương Phi được.

Theo trang VNexpress
Hà My (Theo Baike)


--> Read more..

Thursday, January 9, 2014

Honolulu - thành phố cầu vồng


Hawaii là một tiểu bang duy nhất của Mỹ với địa thế xung quanh là biển, quần đảo Hawai'i được tạo ra do núi lửa nổi lên từ đáy biển. Hawaii có các ngành kinh tế chủ yếu: gỗ đàn hương (sandalwood) săn cá voi, sản xuất đường, dứa, quân đội, du lịch và giáo dục. Về du lịch thì khi đến Hawaii, điểm đến đầu tiên phải là Trân Châu cảng - Pearl Harbor nơi xảy ra trận chiến lịch sử 7/12/1941 trong thế chiến thứ II, riêng về giáo dục thì hệ thống các trường Đại Học ở Hawaii được xếp thứ 100 trong hơn 400 đại học ở toàn nước Mỹ.

Ở entry này, tôi muốn nói tới một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ mà hôm từ phi trường đi vào thành phố Honolulu - thủ phủ của tiểu bang Hawaii, một thành phố cực nam của Hoa Kỳ - một trong những ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi không phải là nhà cao cửa rộng hay những hàng hóa của Mỹ, mà là hình ảnh của một cầu vồng đầy màu sắc bắc ngang qua một dãy núi san sát nhau với nhà cửa được xây từ chân núi lên tới tận ngọn ở một góc trời Honolulu, một hiện tượng thiên nhiên đẹp và thật lạ lùng!

Nếu ngoài trời có vài hạt mưa, thì việc có cầu vồng sẽ chẳng có gì lạ, nhưng khi thấy tôi reo lên với mấy đứa con, đồng thời tôi vội giơ cái Iphone và út Lâm cầm cái Canon lên bấm vài tấm hình, thì anh tài xế nói với chúng tôi rằng ở Hawaii ngày nào cũng có cầu vồng như thế và cầu vồng là biểu tượng của Hawaii, biển số xe hơi ở đây cũng vẽ hình cầu vồng! Mà đúng thế thật, chúng tôi nhìn vào biển số các xe đang chạy trên cao tốc hôm ấy tất cả đều có hình cầu vồng..

Sau ngày dự lễ tốt nghiệp MBA cho cháu, những ngày sau đó chúng tôi đi đến nhiều nơi, mỗi lần ra đến bên ngoài vào buổi sáng sớm, buổi trưa hay buổi chiều nhìn lên bầu trời là tôi lại thấy cầu vồng vòng qua triền núi trên bầu trời trong xanh đầy mây trắng. Mà lạ, hình như ở đây tôi như nhìn thấy lại cái bầu trời trong xanh của thủa xưa còn bé, thủa đó không có nhiều nhà máy, không có nhiều xe cộ.. vậy mà bầu trời ở Honolulu trong những ngày mà tôi ở Hawaii trong thế kỷ 21 là bầu trời chỉ có mây trắng trong xanh, nắng dịu dàng như bầu trời trong tuổi thơ của tôi vậy.

Hôm nay tôi tạm cất những hình ảnh trong những lần đi mua sắm, đi tham quan Trân Châu cảng, đến một bờ biển hình thành bởi miệng núi lửa lại.. để kể trước chuyện chuyến bay của mẹ con chúng tôi bay từ VN, ghé Đài Loan rồi từ đó bay đến thành phố cầu vồng bằng vài hình ảnh mà tôi chụp nhanh trong chuyến đi nhé.

1.
Gia đình tôi ở phi trường Tân Sơn Nhất buổi chiều hôm 18/12/2013 lúc 16:46'


Lần đầu tiên cháu Bảo Huyên 7 tháng tuổi của tôi xuất ngoại .
 2.
Trên chuyến bay China airline bay đến Taipei, Taiwan để transit đi Hawaii.
Trên máy bay có trang bị trước mặt cha mẹ một cái nôi cho bé - 20:01' 18/12/2013


Chú út bế cháu khi cháu thức giấc.
3.
Sau hơn ba tiếng đồng hồ bay, chúng tôi đã đến Taiwan Taoyuan International Airport để quá cảnh đi Honolulu, Hawaii. 

Vừa rời khỏi máy bay bước vào phòng quá cảnh ở Đài Bắc đã thấy không khí lạnh ập vào người, trời lạnh lắm.

10:52PM - 18/12/2013

Cổng quá cảnh ở Taipei, Taiwan - 10:52PM.

Trên chuyến bay 8 tiếng từ Đài Loan bay đến Hawaii
chụp lúc 08:01AM - 19/12/2013


4.
Chúng tôi ngồi trên máy bay suốt 8 tiếng đồng hồ từ Đài Loan bay trên vùng biển Thái Bình Dương về hướng đông để đến quần đảo Hawai'i của Mỹ. Trong suốt chuyến đi và về lần này, vì tôi mải chăm cháu nên chẳng có thời gian để chỉa cái máy chụp hình xuống đại dương..

Khi máy bay hạ cánh ở Hawaii, tôi mở iphone, sau khi roaming hòa mạng thì trời ạ!! đồng hồ trên Iphone hiện 18/12/2013 lúc 02:22 PM. Ôi! hình như tôi đã đi ngược về quá khứ, lúc 02:00PM ngày 18/12/2013 chúng tôi ở phi trường Tân Sơn Nhất và bây giờ cũng cùng thời gian này chúng tôi lại ở Hawaii..


Sân bay ở Hawaii cũ kỹ chứ không hào nhoáng gì đâu, nhưng thiết bị quản lý an ninh thì ở nơi nào trên nước Mỹ đều như thế..



Ra tới bên ngoài phi trường sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh.

B


Con dâu tôi như cô gái Hawaii chính cống






Bắt đầu thấy cầu vồng trên bầu trời, hôm ấy có vài giọt mưa, nên cầu vồng bị một phần mây che..



Một đầu cầu vồng bên trái..


Một đầu cầu vồng bên phải







Và điều ngạc nhiên nhất là bác tài xế này là người Việt Nam, định cư tại Hawaii cũng đã gần 30 năm..



Chúng tôi đến khách sạn lúc 03:37PM. Buổi tối hôm ấy chúng tôi đi dạo khu chợ đêm thấy một quầy bày bán bảng số xe, vội bấm chụp tấm hình mà quên hỏi vì sao bảng số xe lại bày bán ở chợ..



Hôm tập trung ở trước cổng trường Đại học Hawaii, lại nhìn thấy cầu vồng giăng trên bầu trời. 21/12/2013 lúc 07:36AM.


Hôm cả nhà đến trung tâm mua sắm Costco, bảng xe số nào cũng cầu vồng.. 24/12/2013 lúc 11:11AM


Sau khi mua sắm, trên đường trở về khách sạn, cầu vồng cũng chào đón chúng tôi trên bầu trời.. Hôm ấy xe đang chay, tôi dùng iphone cũng chụp được cả cái cầu vồng, nhưng giá mà tôi được đứng ở một điểm nào với cái máy chụp hình nữa thì tuyệt lắm đây.

lúc 04:47PM ngày 24/12.











04:25PM ngày 24/12/2014

Cả thành phố nằm trên đèo dưới núi trong vầng cầu vồng đủ màu sắc trên bầu trời từ lúc sáng sớm cho đến chiều tà cũng lạ lùng và hiếm có lắm thay!

Hôm ấy là ngày lễ Giáng sinh, chúng tôi đi đến 2 trung tâm mua sắm lớn nhất ở Hawaii, nhưng tại các trung tâm này và ở khắp thủ phủ Honolulu chúng tôi không thấy khí thế của Giáng sinh, chỉ thấy lác đác vài nơi có trang trí cây thông nhỏ, còn ở mặt tiền cửa hàng và trung tâm thương mại, không thấy trưng bày đèn hoa lộng lẫy như ở Sài Gòn mình, có lẽ Giáng sinh ở đây chỉ có trong từng gia đình, là ngày mà tất cả người thân về bên nhau để đón Giáng sinh và đón mừng năm mới.
 


Quang cảnh trong sảnh lễ đường lớn của nhà trường.



Đứng trong khuôn viên rất rộng lớn của trường.

Đứng trước những cử nhân đang tập trung ở trong sân trường.

Sau lễ tốt nghiệp, tập trung theo vùng lãnh thổ ở một quảng trường khác trong trường.

Mùa Giáng sinh năm nay, gia đình tôi đã vượt biển đến xứ sở Cầu Vồng (Rainbow) này để dự một lễ tốt nghiệp cho hơn 2000 sinh viên từ bậc Đại Học đến học vị Tiến Sĩ, một buổi lễ trang trọng đầy hào khí nhưng không hào nhoáng. Chúng tôi đã được ngắm vầng nhật nguyệt mọc lên và lặn xuống trên biển ngay trước khách sạn, được ngắm cầu vồng giăng ở góc trời, có những ngày đi rong chơi, những buổi tối xum vầy ấm áp ở xứ người có lẽ sẽ là dấu ấn mãi trong gia đình chúng tôi.


TTM.
PP. 09/01/2014.



--> Read more..

Những entries gần đây



2015-06-17 - 88,616 views

Song Ngư..

“Hòa vào dòng chảy, và luôn mong muốn bản thân thay đổi khác hơn ngày hôm qua.”






.. Và mây vẫn trôi giữa dòng đời bụi bặm... Người đi qua đời.. chợt.. cũ đến chẳng còn quen....

Thiên di



- Bớt ăn thịt, ăn nhiều rau
- Bớt ăn mặn, ăn nhiều chất chua
- Bớt ăn đường, ăn nhiều hoa quả
- Bớt ăn chất bột, ăn nhiều sữa

- Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều lần
- Bớt đi xe, năng đi bộ
- Bớt phiền muộn, ngủ nhiều hơn
- Bớt nóng giận, cười nhiều hơn

- Bớt nói, làm nhiều hơn
- Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn.





Dấu chân..

Flag Counter
15/02/2016 - 64,319 pageviews - 63 Flags colledted

Labels

Bảo Huyên (7) Bhutan (1) Biên dịch (12) Birthday (13) Bs Đỗ Hồng Ngọc (1) buigiang (1) Campuchia (9) Canada (3) carpenters (1) children (7) chinese (11) chinese12 (1) Cooking (1) culture (8) dalat (1) Đặng Thế Phong (1) Danh nhân (2) Đi đó đây.. (28) Đinh Thị Thu Vân (2) doanchuantulinh (1) Đọc sách báo (14) event (4) Facebook (1) family (8) france (2) Friend (50) Gia đình tôi (35) Hà Nội 2013 (9) hanoi (7) heomap12 (1) Hoa cỏ (14) hoa Đào (1) Hoa Đỗ Quyên (2) Hoa Kỳ. (6) Hoa Lộc vừng (3) Hoa Mai (2) Hoa Phượng. (1) Hoa Sen (1) Hoa Sứ (2) Hoa thay lời muốn nói. (3) hoa2 (3) hoa2012 (5) hoa3 (2) Học làm blogspot (7) Hồi Ức nằm đâu đó.. (7) impressive (1) Khánh Ly (2) khuc (1) kinhthi (2) lehuuha (1) life (4) Luận về cái tên TTM (1) memory (5) mixmusic (1) Món ăn (2) multiply3 (1) Mười hai con Giáp (2) music (18) musicpoem (2) New year (1) ngothuymien (2) Nguyễn Ngọc Chính (3) nguyensa (1) nguyentatnhien (1) nhạcphạmduy (1) nhạctcp (1) nhạctcs (3) nhạctrữtình (1) Như Thị (2) Những chuyến đi của tuổi 60 (15) Những điều trông thấy (1) nonfiction (1) phamduy (2) Phong tục tập quán (1) poem (26) poem10 (14) poem12 (4) Quotation (4) Russia (1) Sài Gòn. (3) saigon (4) Sức khỏe là Kim cương (8) Sưu tầm (4) tagore (1) taiwan2012 (11) Tản mạn (30) tcp (2) tcs (6) Thơ's TTM - Remil Nguyễn phổ nhạc. (1) Tibet (4) Tiễn biệt (3) Tôi (105) Tôi ở góc trời. (1) tovu (1) Trang Tôn giáo (14) travel (5) travelcambodia11 (9) travelcambodia12 (1) Truyện ngắn (3) uk (1) uyenlinh (1) Viếng cảnh chùa (1) vietnam (4) vta (1) Vũng Tàu (3)

Luôn nhớ!

Bạn đã ghé thăm đó ư!

Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

Mutiply 27/02/2013: 315,715 pageviews; 118 flags collected
free counters



Người xin lỗi trước là người dũng cảm nhất.
Người tha thứ trước là người mạnh mẽ nhất.
Và người lãng quên trước sẽ là người hạnh phúc nhất...