Thursday, December 15, 2016

GÓC TRỜI NHỎ !


Nhìn lịch hôm nay 14/12 rồi, chẳng mấy chốc năm 2016 lại qua đi.
😳
Bao năm rồi nhỉ? Sáng nay từ khu nhà ở bước ra sân, ngoài trời mưa bay bay, mưa phùn! ở xứ nắng cháy da này cũng có mưa phùn!

✨ Thời tiết khắp nơi đã thay đổi, tháng 12 ở xứ nhiệt đới mà mưa! Hôm qua ra trời còn se se lạnh 23 độ. Mấy hôm nay, sáng sớm nghe tiếng mưa rơi, không lớn lắm nhưng đủ ướt đẫm mặt đất, đôi lúc mưa hơi nặng hạt, nhưng sáng nay mưa phùn!

Ra tới sân lớn trước văn phòng làm việc, lần nào khi ra tới đây, tôi cũng ngẩng lên nhìn trụ đèn này. Có khi buổi sáng trời trong xanh, buổi trưa trời còn xanh biếc với những đám mây trắng rất đẹp, chỉ ở một tiêu điểm này mà tôi đã thu biết bao nhiêu là hình.

Sáng nay trời buồn thiu, tôi đứng ở giữa sân ngửng lên thu vài tấm hình.

🏃🏽‍♀️ Gõ gõ vài dòng xong, nhìn tấm hình trơ trọi trụ đèn! Buồn quá, chạy ra sân lại, trời vẫn mưa! Thêm dấu ấn tôi vào đó!




🏇 Góc trời nhỏ của tôi! Đã hơn hai mươi năm, vẫn góc nhỏ này, tôi đã đi đi về về biết bao lần!

Năm đó sau khi nghỉ việc ở doanh nghiệp nhà nước được bốn năm, tôi đi làm trở lại với doanh nghiệp nước ngoài này. Từ đó tôi không còn chạy vạy làm thêm lo bữa cơm bữa cháo hàng ngày nữa. Vậy mà một manager đồng nghiệp ngày đó còn nói "Tiếc cho cô!.. bất phùng thời".

Tôi biết, công việc của tôi, nếu tuyển nhân viên từ đất nước của họ qua, chắc chắn lương gấp đôi. Cũng có vài ba cô qua làm việc được vài năm đầu lại phải về nước.. Tôi ít đòi hỏi, chỉ cần sự tôn trọng nhau trong tương tác hàng ngày, biết đủ là đủ, như vậy là tốt rồi.

Xin về hưu từ những năm tôi 55 tuổi, vậy mà thoắt cái đến nay, cái thư gửi xin nghỉ hưu của mình cũng gần mười năm, vẫn cứ phải forward qua lại biết bao lần mà chưa chịu cũ!

Sáng nay tại trời mưa phùn! Tại góc trời nhỏ, ở nơi này hiu hắt lắm mà sao mãi chưa xa..! Tại khi được mẹ sinh ra.. thiên di, dấu ấn chưa mòn dưới chân! Tại con bé vừa thấy tôi nói tóc cô hôm nay rối quá! Tại!! Tại cái tuổi! Chắc chắn sáng nay tại cái tuổi !! ...

TTM
14/12/16
#HoiUcNamDauDo

--> Read more..

Tuesday, December 6, 2016

🍀 VẾT SẸO LÁ TRE 🍀




Năm đó khoảng năm 1958 hay 59 gì đó, tôi mới được hơn 4 tuổi nhưng thấy chị Hai tôi đi học, tôi thích lắm đòi chị cho tôi đi theo, cũng được vài lần đến lớp học với chị.

💥 Ngày ấy, cái trường làng lớp rất nhỏ, bàn bằng gỗ, học trò lớn bé đều ngồi chung với nhau. Thầy giáo dạy tất cả học trò các lớp trong cái lớp học đó. Tôi chỉ nhớ thế, vậy mà khi tôi lên năm, tôi đã viết đánh vần và làm toán cộng trừ nhân chia rất khá nên khi mẹ đưa tôi đi học, sau khi được thầy kiểm tra, tôi không có học lớp Năm và vào luôn lớp Tư (lớp 2 bây giờ).

💥 Hôm đó, ký ức tôi vẫn còn nhớ rất rõ, khi chị đưa tôi vào lớp, chị gạt tất cả các bạn qua bàn khác, dành bàn đó cho tôi ngồi. Chị Hai tôi có tiếng là dữ, nhưng ra ngoài là không ai ăn hiếp được các em của chị.



💥 Trở lại vết sẹo lá tre, chủ đề bài viết này thì chuyện như sau:

🌷 Ngày xưa, không có cặp táp như bây giờ, mẹ tôi may cái túi vải, miệng túi may bèo có sợi dây luồn ở miệng túi để cột túm lại. Trên túi có hai cái quai. Chị tôi cho tập vở, bút và ống mực vào đó. Rồi treo lên ghi-đông xe đạp.

🌷 Ngày xưa, bút lá tre, ngòi bút nhọn, lá bút dẹp bằng nhôm trắng mỏng, có lẽ ngòi bút nhìn giống cái lá tre nên có cái tên như thế!

Khi viết chữ, học trò chấm ngòi vào hũ mực màu xanh, màu tím xong viết lên giấy trắng.

🌷 Cho nên thủa ấy, chúng tôi tập viết chữ rất đẹp, nét nào thanh nét nào dày rất rõ ràng. Nhớ lại bây giờ toàn dùng viết chì, viết nguyên tử nên nét chữ như xưa không còn nhìn thấy nữa.

🌷 Hôm đó, chị tôi đèo tôi bằng cái xe đạp ngang, tôi ngồi ở trên thanh ngang, cái cặp vải treo ở ghi-đông xe đạp. Trong lúc chị đạp xe thì cái túi vải đong đưa, cái ngòi bút thò ra khỏi vải cắm vào bắp chân phải gần mắc cá chân của tôi, chị ngừng xe cuống cuồng rút ngòi ra khỏi bắp chân của tôi.

Vết thương lành, nhưng cái sẹo hình lá tre vẫn nằm nơi bắp chân của tôi.

Rồi tôi cũng quên cái sẹo đi cho đến năm tôi đi gia đình Phật tử lớp Oanh Vũ, nên mặc cái jupe ngắn tới đầu gối màu xanh thẫm, nhìn vào bắp chân mình có vết sẹo lá tre.

🌷 Rồi thời gian trôi qua, biết bao đổi thay trong dòng đời. Mà da thịt của tôi rất lành, có bị vết thương gì chỉ một thời gian là lành lạnh, vậy mà đến bây giờ đã gần 60 năm trôi qua, cái vết sẹo lá tre vẫn nằm y ở chỗ cũ. Làm tôi luôn nhớ về người chị cả của mình.

TTM
05/12/2016
(Hình vừa chụp, hình như sẹo cũng mờ đi rồi)
#HoiUcNamDauDo

--> Read more..

Monday, December 5, 2016

HẠNH DUYÊN từ tiền kiếp!



Sáng nay vừa thức giấc, rửa mặt xong, tôi quay qua pha ly cafe mà sau hơn một tháng tôi đã không đụng đến cái phin thì có chuông báo tin tin nhắn! Mở ra ! Thì thấy hình này và những câu của út Huỳnh Lâm gửi cho mẹ :"Moi mua cho mum ne. Yess ..-.. 200ML do. Yess..". Giọng điệu mà chàng nhỏ nói chuyện với mẹ là như thế!

😜 😋 Không thể không khoe và không thể không nhớ lại!

 Năm đó, khi anh Tuan Huynh và em Lâm học đại học ở SG, hàng tuần về thăm nhà, buổi sáng hôm ấy mấy mẹ con ở trong phòng mẹ nói chuyện, lúc tôi cầm chai Chanel lên phun nhẹ vào hai bên mang tai rồi nói "loại này là một trong những loại nước hoa đắt tiền, bây giờ mẹ còn đi làm thì dùng chứ sau này về hưu thì chắc không dám mua nữa." Lúc ấy chỉ là buột miệng nói ra không nghĩ ngợi gì!

💥 Vậy mà, sau khi anh Tuấn tốt nghiệp, tháng lương đầu tiên trong năm đó, con đã mua quà cho ông nội, ông ngoại và ba mẹ, món quà cho mẹ là chai Chanel 5 này, chai nhỏ thôi, nhưng lòng tôi lại vỡ oà ấm áp..

 Đầu năm 2015 vừa rồi, lúc mẹ con tôi ở đâu đó trong cái mall shopping ở Mỹ nhỉ? Tôi cũng chọn mua chai Chanel 5 này đem về dùng, khi đến quầy thì cả hai cậu con dành nhau trả tiền, cuối cùng hai anh em share nhau tiền trả cho món quà mà mẹ thích, còn tôi thì chỉ việc ung dung và khoái chí xách quà trong tay.

(😜😜 phải sửa lại theo đề nghị của em Lâm cho đúng, không phải là trong chuyến đi Mỹ đầu năm 2015 mà là mua trong chuyến đi Hawaii nhận bằng tốt nghiệp MBA của anh Tuấn, tiền do em Lâm trả, vì mua cái Iphone 5 và Ipad do chị Yenny Tran hay ai trả mum cũng quên rồi kkk😜😜)

💥 Cho nên sáng nay, khi nhìn thấy hình con với chai Eau de parfum trên tay này! Người mẹ già này vui thật đó! Món quà mà con đã vất vả ở xứ người vừa đi làm vừa đi học thêm để kiếm được. Lòng mẹ cũng vỡ oà lên như năm xưa lúc con mới lọt lòng mẹ!

 Cám ơn các con, cám ơn cả con dâu và con rể của mẹ, đứa con nào cũng là món quà lớn mà tiền duyên đã trao tặng mẹ trong kiếp này! 😍❤️😍

TTM
05/12/2016
#HoiUcNamDauDo
.........................

--> Read more..

Wednesday, September 28, 2016

Hôm nay mẹ phải kể câu chuyện của con thôi!




Huỳnh Lâm à!
Hôm nay mẹ phải kể câu chuyện của con thôi!

😍 Giờ này cách đây 34 năm là giờ con chào đời, mẹ vẫn nhớ như in, gớm cái miệng tròn xoe nhỏ xíu như thế mà khóc lớn tiếng lắm, đói đó mà. Lúc đó cả hai mẹ con mình mới được dời từ bàn sanh ra nằm trên cái giường nhỏ, cái ti của mẹ chưa về sữa, thấy con khóc quá tạm lau rửa ti cho con ngậm, con mút chụt chụt một lát chắc thấy chưa có sữa, nên lập tức nhả ra rồi ưỡn người lên, mặt đỏ gay mà khóc oa oa vang cả nhà bảo sanh vào buổi sáng hôm đó, làm ai cũng buồn cười lắm.

💗 Vài ngày sau, hai mẹ con được ba chở từ nhà bảo sanh về nhà, đi nửa đường cái xe Honda 68 bị hỏng, thế là mẹ phải bế con đi bộ một quãng dài, đi chậm thôi, vì mẹ đã lành vết may đâu.

💗 Người phụ nữ lúc đi sanh con cũng có cái khổ, có người chỉ đau đẻ, đau dữ dội tưởng không còn gì đau hơn, nhưng khi con chào đời xong, là đã hết cơn đau đẻ, nằm chờ dạ con co lại nữa là ổn bình thường, còn mẹ thì hơi khổ hơn. Vì con biết rồi, ngày ấy mẹ chỉ cân nặng có hơn 40 kg thôi, có bầu chắc to ra hơn chục ký, ăn uống cũng bình thường nếu không nói là kham khổ, vậy mà sanh ba đứa con, đứa nào cũng to tê, chị con so 3.9, anh con trên 4kg, còn còn thì 4.9kg, nên ngoài cái đau đẻ, mẹ lại thêm cái đau te tua.

💗 Lần sanh con, mẹ không về quê nữa. Lúc đưa con về đến căn nhà tập thể hai phòng của gia đình mình, chị và anh thích lắm. Riêng anh con - kể ra cũng buồn cười - anh ấy bú ti của mẹ từ bé tới lúc mẹ đi sanh con. 😍 Hôm đầu khi mẹ đang nằm cho con bú, thì anh con ở sau lưng mẹ, anh ấy thương con lắm, nhưng lúc ấy thấy vậy cũng đưa tay ra nhè nhẹ đẩy cái miệng nhỏ của con ra khỏi ti của mẹ. 😍 Mẹ nói với anh rằng, chờ mẹ cho con bú ti xong đã mẹ sẽ cho anh bú ti sau. 😍 Sau khi con ngủ yên, mẹ ra ghế nhỏ ngồi, bế anh vào lòng, cho anh bú ti xong, mẹ mới nói "bây giờ có em rồi, ti để dành cho em, con lớn rồi không bú ti nữa nhé!" 😍 Vậy mà từ đó anh không dành ti với con nữa. Kể ra đây hai anh em chắc lại xấu hổ lắm đây. 💗

Chuyện sanh con được mười mấy ngày mẹ phải ngồi dậy mở bàn máy may ra may, mẹ vừa kể ở câu chuyện NGHỀ MAY của mẹ rồi.

💗 Đến khi con biết ăn cơm, mẹ cũng không nhớ từ lúc nào, sau khi ở trường mẫu giáo về con luôn đòi chén cơm chan vài muỗng đường, rồi ngồi đó vừa ăn vừa mân cái mền nhỏ của con. Cái mền được con mân mê tới rách. 😜 Mẹ thì hay giữ kỷ vật lắm, nhưng sau này trong lúc mẹ đi làm, chị con ở nhà dọn dẹp chắc chị đã cho cái mền nhỏ ấy đi cùng nhiều cái quần áo kỷ niệm mà mẹ giữ cho các con.

💗 Sau này mẹ vẫn nghĩ là tại sao con thèm đường, tại sao các con thích ăn ngọt. Mẹ cũng không biết có phải tại mẹ lúc có bầu các con, mẹ thèm ngọt lắm, mà ngày ấy đường cũng là một loại xa xí phẩm, được phân phối, nên mẹ hay nhịn ăn đường, ăn của ngọt.

💗 Lúc sanh chị con, khuya mẹ thèm ngọt, phải ngồi dậy ra lục cái trạn bếp ở nhà ông bà nội lấy đường pha với trà ấm uống cái ực ngon lành. Lúc hoài thai các con, đi ngang qua xe nước mía là mẹ lại thèm, thèm lắm nhưng phải nhịn mà đạp xe đi qua. Con ạ! có lẽ vì vậy mà lúc ấy con thích ăn cơm đường.

💗 Bây giờ các con lớn rồi, các con đứa nào cũng vẫn thích ngọt, nhất là con, nhãn lồng, nhãn tiêu ăn thì ăn cả ký.

😍 Rồi, các con lớn lên. Tự lúc nào, khi đi ra ngoài với các con là mẹ được chở. Tự lúc nào làm việc gì mẹ cũng bàn bạc với các con của mình.

😍 Anh Tuan Huynh vào năm học trung học cuối cấp, đi với mẹ là chở mẹ chứ không cho mẹ chở nữa, Anh lên SG đại học, nói mẹ mua cho anh cái xe đạp, nhường cái xe Honda city ấy cho con ở nhà đi học tiếp cấp ba cho đến khi về SG cùng ở trọ học với anh. Hai anh em lại chia nhau đi xe đạp và xe gắn máy.

💥 Rồi, theo năm tháng các con trưởng thành, sau hơn mười năm các con đi học ra trường và làm việc, cả nhà mình mới dời về SG theo ước mơ, các con thích lắm, sau bao năm ở trọ, bây giờ các con được cùng cả nhà đoàn tụ về một chỗ.

💥 Từ đó, khi các con lớn khôn, biết mẹ thích hoa cỏ, thích thăm thú các nơi, tự lúc nào, mỗi lần mẹ về phép ở nhà là con thường có chương trình vào buổi nào đó để chở mẹ đi chơi.

💥 Cho nên - hình ảnh trên những chuyến phà Thủ Thiêm cuối cùng qua sông Sài Gòn là đầy hình hai mẹ con mình nhé!
- hình ảnh lúc làm xong cái hầm vượt sông Sài Gòn, lúc con đường ven sông còn thô sơ là đầy hình ảnh hai mẹ con mình nhé!
- hình ảnh cái đại lộ đông tây từ ngã ba Cát Lát nối ra tới hầm Thủ thiêm qua sông Sài Gòn - lúc vừa còn dang dở con cũng chở mẹ ra chụp với nắng chiều, cũng đầy kho ảnh nhé!
...

Bây giờ khi mẹ đi đâu, anh con bận việc, bận vợ con thì con là người thường chở mẹ đi, dù đôi lúc con cũng hay cằn nhằn mẹ, cũng tại cái tính mẹ rườm rà luộm thuôm không vừa ý con, lúc ấy mẹ cũng chảy nước mắt sau lưng con, nhưng sau đó mẹ vẫn ngồi lên sau yên xe bên con, khi con nói chở mẹ đi chơi đâu đó.

💥 Hôm tháng 10 năm rồi, lúc mẹ về phép, mẹ lại được con chở ra nóc hầm sông Sài Gòn, để ngắm dòng sông và ngắm thành phố bên kia sông, cảnh quan thật đẹp vào buổi sáng sớm. Rồi hai mẹ con vào quán cà phê uống nước, đi ăn trưa với nhóm bạn con, chụp hình cũng đầy cả album hình. ✈️💥

Từ hôm đó, con đi xa mẹ cả nửa vòng quả đất, một mình tự lực cánh sinh làm việc và học hành ở xứ người, mẹ chỉ biết ngồi trong các góc nhỏ của mẹ, ngóng các con ở xa. Nhìn những hình con chụp, con trai lớn rồi cái tuổi lập thân, mà vẫn nghịch ngơm như tuổi mười tám đôi mươi.

💗 Bây giờ, từ hôm con nói cho mẹ biết tuyến xe bus đường nhà mình, thì mẹ đi đâu cũng đi xe bus rồi con ạ, khi cần nhanh hơn thì đi xe Grab taxi, chứ cũng không đi xe taxi nữa. Còn lại là mẹ đi bộ nhé, cho đỡ tốn tiền. Cũng đỡ cho anh, lo cho vợ con lại còn lo cho mẹ đi đây đi đó nữa thì cực lắm.

Tháng Chín này cũng như những tháng Chín trước, ở nhà, ngoài mẹ thì có mỗi mình con là có nhiều lần ăn mừng ngày sinh của mình nhất, tại con có nhiều nhóm bạn quá mà. Nhóm bạn Thỏ ở SG chắc nhớ con lắm đó.

💗 Mấy hôm nay, và những năm tháng trước, khi bước vào tháng Chín là mẹ nhớ. Vì anh con và con đều sanh vào tháng Chín, tháng Chín của mẹ có đầy những kỷ niệm nhớ nhớ quên quên, kể không hết..

😍 Các con à, gia đình mình trải qua biết bao gập ghềnh gian nan, nhưng Mẹ luôn hạnh phúc vì có các con bên đời.

😍 Mẹ và tháng Chín.
24/09/2016


--> Read more..

Friday, August 19, 2016

TẬP SAN SỬ ĐỊA (sưu tầm)


Đêm nay, tôi lại về Flickr tìm xem hình của các bạn, ghé qua trang anh Mạnh Hải, một nhà sưu tầm hình ảnh lịch sử, tôi thấy một album mang tên TẬP SAN SỬ ĐỊA , anh sưu tập được từ Tập san số 1 đến số 27-28, được phát hành Tháng 1-1966 đến tháng 12-1974, lòng chợt hoài niệm nên tôi đi tìm tiếp xem trong năm 1975 có còn số nào nữa không thì nhờ ông Google tôi tìm được số cuối cùng 29 được phát hành trong năm 1975, nên mang về Facebook cho bạn bè cùng xem một Tập san giá trị về văn học và lịch sử được phát hành trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam.




Tập san Sử Địa này do nhóm Giáo sư, sinh viên trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn với sự hợp tác của nhiều văn sĩ biên soạn, cứ ba tháng ra một số (nên gọi là Tam cá nguyệt San), phát hành từ năm tháng 1/1966 đến tháng 3 năm 1975 được 29 số. Ngoài ra, nhà tài trợ chính cho Tập san này là nhà sách KHAI TRÍ, nay là nhà sách Sài Gòn Fahasa ở đường Lê Lợi.

Tiếc là chỉ toàn hình bìa và mục lục sách, nhưng qua mục lục của những tạp chí đó ta cũng thấy chính sách giáo dục, tính phổ cập lịch sử và văn hóa trong xã hội miền Nam ngày ấy. Với mục đích ôn cố tri tân, qua đó để kiến thiết và phát triển quốc gia. 


* TẬP SAN SỬ ĐỊA (sưu tầm)

Cám ơn anh Mạnh Hải đã sưu tầm tập san này, dù ở đây chỉ là bìa và mục lục sách, nhưng cũng là tư liệu quý để ta nhìn lại quá trình cập nhật văn hóa của một thời đại.

Như vậy thời gian phát hành Tập San này được đúng chín năm (1966-1975), một công việc sưu tầm đầy tâm huyết trong một thời gian không phải là ngắn để tóm lược diễn biến một số sự kiện lịch sử cận đại quan trọng của nước nhà. Tiếc là 60 tấn sách trong nhà sách Khai Trí đã bị tiêu hủy sau năm 1975 (theo wiki).


TTM
19/08/2016

--> Read more..

Tuesday, April 26, 2016

“Bhutan là một quốc gia không phát thải khí nhà kính”



Hôm thứ Tư 20/4, tôi được xem một cái clip có phụ đề tiếng Việt, do ngài Thủ Tướng nước Bhutan - một quốc gia nhỏ ở dãy Himalya - là diễn giả, nói về chủ đề “Bhutan là một quốc gia không phát thải khí nhà kính”.

Một vị Thủ tướng, một diễn giả tuyệt vời. Ngài, ngẩng cao đầu, nói câu chuyện của đất nước mình rất dí dỏm, lưu loát, mạch lạc, dẫn dắt sự kiện logic, ngài tự thuyết giảng không bằng tiếng mẹ đẻ mà bằng một ngoại ngữ, không cần người phiên dịch, nói chuyện trước công chúng trong một thời lượng dài gần hơn 20 phút mà không cần phải cắm cúi đọc bài viết, hay cầm trên tay một mảnh giấy nào cả. Ôi! Ông Thủ tướng này thật là tuyệt !

Ngồi xem clip, nghe ngài nói chuyện về việc làm sao bảo vệ môi trường của đất nước Bhutan trong biến đổi khí hậu toàn cầu, nói về các chính sách của vua dân của ngài, mà tôi lại liên tưởng đến tình hình gần đây về toàn cảnh bất an ở VN về môi trường, về môi sinh mà phẩn nộ.

Thế là tôi căm cụi ngồi chép lại câu nói của ngài được dịch giả Trần Hoàng Yến dịch ra tiếng Việt phụ đề ở trong clip này : This country isn't just carbon neutral Vietsub THY

TTM.
26/04/2016



“..Phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng sự phát triển kinh tế không thể có được từ việc làm tổn hại nền văn hóa độc nhất của chúng tôi, hay tổn hại môi trường tự nhiên nguyên sơ của đất nước..”
Thủ tướng Tshering Tobgay - Bhutan
trong buổi nói chuyện ở TED - chương trình phi lợi nhuận.

Thủ tướng Tshering Tobgay mặc "Gho"
trang phục truyền thống của Bhutan trong buổi nói chuyện.

Nếu các bạn băn khoăn, không, không phải là tôi đang mặc váy đâu và tôi cũng không nói tôi mặc gì ở trong đâu :-)

Đây là Gho. Đây là trang phục dân tộc của tôi, đàn ông Bhutan đều mặc như thế này. Kia là trang phục của phụ nữ nước chúng tôi. Cũng giống như phụ nữ, đàn ông chúng tôi cũng mặc màu sáng. Nhưng không giống như phu nữ, chúng tôi phải để hở chân ra.


Trang phục dân tộc của chúng tôi là độc nhất, nhưng đây không chỉ là thứ độc nhất về đất nước tôi. Lời hứa của chúng tôi về việc tiếp tục không phát tải khí nhà kính cũng là độc nhất. Và đó là điều mà tôi muốn trao đổi hôm nay.

Lời hứa của chúng tôi là tiếp tục không phát thải khí nhà kính.


Trước khi tôi bắt đầu, tôi muốn giới thiệu với quí vị về bối cảnh. Tôi nên kể cho quí vị câu chuyện của chúng tôi.

Hình do tôi tải từ Google Map

Bhutan là một quốc gia nhỏ ở dãy Himalya, chúng tôi đã được gọi là Shangri-La. Thậm chí là Shangri-La cuối cùng. Nhưng để tôi nói cho quí vị biết, chúng tôi không phải là Shangri-La. Đất nước tôi không phải là một tu viện lớn với những nhà sư vui vẻ. Thực tế là chỉ có 700 nghìn dân chúng tôi bị kẹp giữa hai quốc gia đông dân hàng đầu thế giới Trung quốc và Ấn Độ.

Thực tế chúng tôi là một đất nước nhỏ kém phát triển làm hết khả năng của mình để sống và chúng tôi ổn, chúng tôi đang sống. Thực tế là chúng tôi đang thịnh vượng. Và lý do chúng tôi thịnh vượng là vì chúng tôi may mắn có những vị vua tuyệt vời.

Các vị vua giác ngộ của chúng tôi đã làm việc không quản mệt mỏi để phát triển đất nước một cách cẩn thận cân bằng giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bền vững môi trường và bảo tồn văn hóa. Tất cả trong một khuôn khổ quản trị tốt. Chúng tôi gọi đó là phương pháp tiếp cận toàn diện để phát triển “Tổng hạnh phúc quốc gia”, hay còn gọi là GNH.

Từ những năm 1970s, vị vua đáng kính thứ tư của Bhutan đã có tuyên bố nổi tiếng là “đối với Bhutan, Tổng hạnh phúc quốc gia quan trọng hơn Tổng sản phẩm quốc gia.”. Và từ đó, tất cả sự phát triển ở Bhutan đều được thúc đẩy bởi GNH, một tầm nhìn tiên phong nhằm gia tăng hạnh phúc và sự thịnh vường của người dân chúng tôi.




Nhưng nói thì luôn dễ hơn làm, đặc biệt đối với một nền kinh thế thuộc loại nhỏ nhất thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội của chúng tôi nhỏ hơn 2 tỷ dollars. Tôi biết rằng một số cá nhân quí vị ở đây còn giàu có hơn cả đất nước chúng tôi. Nền kinh tế chúng tôi rất nhỏ, nhưng sau đây mới là điều trở nên thú vị.

  • Giáo dục hoàn toàn miễn phí, tất cả các công dân đều được đảm bảo miễn phí giáo dục phổ thông và những người học hành chăm chỉ sẽ được học đại học miễn phí.
  • Y tế cũng hoàn toàn miễn phí. Chi phí thăm khám, điều trị, thuốc men đều do nhà nước chi trả.

Chúng tôi làm được điều này, bởi vì chúng tôi sử dụng nguồn tài nguyên hạn chế của mình một cách cẩn thận và bởi vì chúng tôi trung thành với sứ mệnh chính của GNH, đó chính là sự phát triển với những giá trị “Gross National Happiness is simple development with values”.

Nền kinh tế của chúng tôi nhỏ và chúng tôi cần phải tăng cường nó. Phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng sự phát triển kinh tế không thể có được từ việc làm tổn hại nền văn hóa độc nhất của chúng tôi, hay tổn hại môi trường tự nhiên nguyên sơ của đất nước.



Hiện nay, nền văn hóa của đất nước đang phát triển. Chúng tôi tiếp tục tán dương nền nghệ thuật và kiến trúc, thức ăn và các lễ hội, các nhà sư và tu viện và chúng tôi cũng tán dương cả trang phục dân tộc. 


thức ăn và các lễ hội



Đó là lý do tôi có thể mặc Gho với niềm tự hào. Đây là sự thật thú vị, quí vị đang nhìn thấy cái túi to nhất thế giới. Nó bắt đầu từ đây, ra đăng sau và đi ra từ phía trong này. Trong cái túi này, chúng tôi đựng tất cả đồ dùng cá nhân, từ điện thoại và ví, đến Ipad, tài liệu và cả sách. Nhưng thỉnh thoảng, thỉnh thoảng, còn cả “lô hàng” quý giá.


Nhưng thỉnh thoảng, thỉnh thoảng, còn cả “lô hàng” quý giá.

Nền văn hóa chúng tôi đang hưng thịnh và môi trường cũng vậy. 72% đất nước chúng tôi được rừng che phủ. Hiến pháp của chúng tôi yêu cầu rằng ít nhất 60% tổng diện tích đất Bhutan phải luôn được rừng che phủ. 



Hiến pháp của chúng tôi, hiến pháp này quy định độ che phủ rừng lên chúng tôi. Qua đó, nhà vua của chúng tôi sử dụng hiến pháp để áp dụng chế độ dân chủ lên chúng tôi. Các bạn thấy đó, người dân chúng tôi từng không muốn chế độ dân chủ, chúng tôi không yêu cầu cho điều đó và hiển nhiên chúng tôi không chiến đấu cho nó. Thay vào đó, nhà vua áp đặt dân chủ lên chúng tôi bằng cách đưa vào trong hiến pháp.

Nhưng ông ấy đã đi xa hơn. Ông ấy đã đưa ra các quy định vào hiến pháp để trao quyền cho phép người dân kết tội các nhà vua và đưa vào các quy định ở đây yêu cầu các nhà vua của chúng tôi phải nghỉ hưu ở tuổi 65. Sự thật là, chúng tôi đã có vị vua nghỉ hưu , vị vua trước đây của chúng tôi, vị vua đáng kính thứ 4 nghỉ hưu 10 năm trước tại thời điểm ông ấy được yêu mến nhất. Ông ấy chỉ 51 tuổi tại thời điểm đó.



Vì thế tôi đang nói rằng, 72% đất nước chúng tôi được rừng che phủ và tất cả cánh rừng đó là nguyên sinh, đó là lý do chúng tôi là một trong rất ít điểm đa dạnh sinh học toàn cầu còn lại của thế giới và đó là lý do chúng tôi là nước không phát thải khí nhà kính.  


Trong một thế giới bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, chúng tôi là nước không phát thải khí nhà kính. Rõ ràng đây là một việc lớn trong 200 quốc gia trên thế giới hiện nay, dường như chúng tôi là quốc gia duy nhất không phát thải khí nhà kính.

Thực ra điều này không hoàn toàn chính xác, Bhutan không phải là không phát thải khí nhà kính, Bhutan là nước có khí phát thải nhà kính âm. Cả nước chúng tôi chỉ thải 2,2 triệu tấn khí thải CO2 nhưng rừng của chúng tôi hấp thụ nhiều hơn 3 lần số lượng trên, vì thế chúng tôi hấp thụ carbon hơn 4 triệu tấn CO2 mỗi năm, nhưng đó chưa phải là tất cả. Chúng tôi xuất khẩu phần lớn điện tái tạo, chúng tôi sản xuất từ những dòng chảy lớn.

Ngày nay, năng lượng sạch mà chúng tôi xuất khẩu giúp làm giảm khoảng 6 triệu tấn CO2 ở các nước láng giềng. Vào năm 2020, chúng tôi sẽ xuất khẩu đủ điện để giảm 17 triệu tấn CO2. Và nếu chúng tôi có thể vận hành một nửa tiềm năng thủy điện của mình đó là chính xác những gì chúng tôi mong đợi. Năng lượng xanh, sạch mà chúng tôi xuất khẩu có thể giúp giảm khoảng 50 triệu tấn CO2 mỗi năm, nhiều hơn lượng CO2 toàn thành phố New York phát thải trong một năm. Và ngay trong đất nước, chúng tôi là một quốc gia hấp thụ CO2. Ngoài nước, chúng tôi đang giảm phát thải. Đây là điều quan trọng.

Quý vị thấy đó, thế giới đang nóng lên và biến đổi khí hậu là một thực tế. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến đất nước chúng tôi. Các sông băng của chúng ta đang tan chảy gây ra lũ quét và sạt lở đất và hậu quả là gây ra thảm họa và hủy hoại cơ sở hạ tầng của chúng tôi.


Tôi đã đến hồ này gần đây, nó thật là đẹp.



Đây là hình ảnh của hồ 10 năm về trước,



và đây là hỉnh ảnh 20 năm về trước. Chỉ 20 năm trước, cái hồ này còn chưa tồn tại. Nơi đó là một sông băng dày đặc.



Vài năm trước, một cái hồ tương tự đã phá vỡ đập chắn và tàn phá các thung lũng phía hạ lưu. Sự tàn pháo đó chỉ do một cái hồ gây ra. Chúng tôi có 2700 hồ như thế để chiến đấu cùng.

Mấu chốt là thế này, đất nước người dân chúng tôi đã không làm gì để góp phần gây ra sự nóng lên toàn cầu. Nhưng chúng tôi đã phải chịu tác động của hậu quả đó. Và với một đất nước nghèo nhỏ bé, với địa hình đồi núi và bị kẹp giữa các nước thực sự là khó khăn, nhưng chúng tôi không khoanh tay đâu, chúng tôi sẽ chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu. Đó là lý do chúng tôi hứa tiếp tục là quốc gia không phát thải.



Chúng tôi hứa điều này lần đầu tiên vào năm 2009 trong COP15 ở Copenhagen, nhưng chẳng ai để ý. Các chính phủ đang quá bận để cãi nhau và đổ lỗi cho nhau gây ra biến đổi khí hậu, và khi một đất nước nhỏ bé giơ tay lên và tuyên bố “Chúng tôi hứa sẽ luôn là quốc gia không phát thải”. Chả ai nghe chúng tôi cả. Chả ai quan tâm.

Tháng 12 năm ngoái ở Paris, ở COP21, chúng tôi nhắc lại lời hứa của mình sẽ tiếp tục là quốc gia không phát thải, lần này chúng tôi được lắng nghe, chúng tôi được ghi nhận và mọi người đều quan tâm.

Cái khác ở Paris là các quốc gia ngồi lại với nhau để chấp nhận thực tế về biến đổi khí hậu và sẵn lòng cùng nhau hành động, tất cả các quốc gia từ nhỏ đến lớn đều cam kết cắt giảm phát thải nhà kính. Công ước khung Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Biến đổi khí hậu (BĐKH) nói rằng nếu những cam kết chủ ý này được giữ đúng, chúng ta có thể tiến gần đến mốc giảm sự gia tăng nhiệt độ 2 độ C.

Nhân tiện, tôi đã yêu cầu nhà tổ chức TED ở đây tăng nhiệt độ phòng ở đây lên 2 độ C. Vì thế nếu quí vị nào cảm thấy nóng hơn bình thường thì quí vị biết là do ai rồi. Điều quan trọng là tất cả chúng ta đều giữ cam kết. Một khi được quan tâm, Bhutan chúng tôi sẽ giữ lời hứa tiếp tục là quốc gia không phát thải.

Sau đây là một số cách mà chúng tôi đang làm:

  • Chúng tôi cung cấp điện miễn phí cho người dân nông thôn. Ý tưởng là khi có điện miễn phí, họ sẽ không phải dùng củi để nấu nướng nữa. Chúng tôi đầu tư vào giao thông bền vững và trợ giá mua xe chạy bằng điện.
  • Tương tự, chúng tôi trợ giá mua đèn LED.
  • Và chúng tôi đang cố gắng trở thành chính phủ không dùng giấy.
  • Chúng tôi làm sạch trên toàn quốc, thông qua chương trình quốc gia “Làm sạch Bhutan”.
  • Và chúng tôi trồng cây trên toàn quốc thông qua chương trình quốc gia “Xanh hóa Bhutan”.
  • Những khu bảo tồn của chúng tôi đó chính là trọng tâm của chiến lược không phát thải. Các khu bảo tồn của chúng tôi chính là những bể chứa carbon. Chúng là những lá phổi của chúng tôi.


Ngày nay, hơn một nửa đất nước chúng tôi được bảo tồn, là các công viên quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã. Và cái hay là chúng tôi kết nối chúng với nhau, thông qua một mạng lưới, một hành lang đa dạng sinh học. Điều đó có nghĩa là động vật có thể đi lại tự do trên cả nước.

Lấy ví dụ là con hổ này, nó được nhìn thấy ở độ 250m trên mực nước biển ở một khu rừng nhiệt đới nóng ẩm. Hai năm sau, cũng con hổ đó được nhìn thấy ở độ cao 4000m trên dãy An-pơ (Alpes) lạnh. Điều đó không tuyệt sao?



Chúng tôi phải giữ như thế. Chúng tôi phải giữ các công viên thật đẹp. Vì thế mỗi năm chúng tôi dành một nguồn lực để phòng chống săn bắn trộm, khai khoáng và làm ô nhiễm các công viên. Và nguồn lực để giúp các cộng đồng những người sống trong các công viên đó quản lý rừng của họ, thích ứng với BĐKH và có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong khi vẫn sống hài hòa với thiên nhiên. Nhưng những việc đó tốn kém.

Trong vài năm tới, nền kinh tế nhỏ bé của chúng tôi sẽ không có đủ nguồn lực để chi cho chi phí cần để bảo vệ môi trường. Thực tế, khi tính toán, chúng tôi thấy cần ít nhất 15 năm để có thể xây dựng đủ tài chính cho tất cả các nỗ lực bảo tồn. Nhưng cả Bhutan và thế giới không thể quay ngược lại thời gian 15 năm. Đây là lý do tại sao nhà vua đáng kính của chúng tôi bắt đầu chương trình “Bhutan vì Cuộc sống”.

“Bhutan vì Cuộc sống” cho chúng tôi thời gian cần thiết, cho chúng tôi khoảng thời gian để xoay sở. Đó là một cơ chế tài chính cần thiết để chăm sóc các công viên của chúng tôi, để bảo vệ các công viên của chúng tôi cho đến khi chính phủ có thể tự chi trả hoàn toàn.

Ý tưởng là để xây dựng một Quỹ tài chính chuyển tiếp từ các nhà tài trợ cá nhân và các tổ chức, việc này chỉ khép lại sau khi các điều kiện định trước đạt được và tất cả các nguồn tài trợ được cam kết. Nhiều đối tác, một điểm kết : ý tưởng này chúng tôi mượn từ phố Wall. Điều này có nghĩa là mỗi nhà tài trợ có thể cam kết mà họ không phải lo lắng rằng họ sẽ bị bỏ rơi vì hỗ trợ một kế hoạch tài trợ không đủ lớn.

Đây giống như là một dự án khởi động với khoảng thời gian chỉ 15 năm và hàng triệu tấn CO2 sẽ được hấp thụ. Một khi thương vụ này hoàn thành chúng tôi sẽ dùng quỹ tài chính chuyển đổi để bảo vệ các công viên cho phép chính phủ chúng tôi thời gian để gia tăng nguồn tài chính của mình một cách từ từ trong suốt thời gian 15 năm, sau đó chính phủ chúng tôi đảm bảo có đủ nguồn tài chính mãi mãi. Chúng tôi gần đạt được điều đó, chúng tôi dự định đạt được điều đó vào cuối năm nay.

Thực ra, tôi rất hào hứng.

WWF là đối tác chính của chúng tôi trong hành trình này. Và tôi muốn gửi lời chúc mừng cho những việc tuyệt vời họ đã làm ở Bhutan và trên toàn thế giới.

Hu, đúng là ở đây đang nóng lên. Cám ơn quí vị đã lắng nghe câu chuyện của chúng tôi. Câu chuyện làm sao để chúng tôi giữ lời hứa tiếp tục là quốc gia không phát thải. Câu chuyện làm thế nào để giữ cho đất nước chúng tôi tinh khôi cho chúng tôi, con cháu chúng tôi, cho con cháu quí vị và cho cả thế giới.

Nhưng chúng ta không phải ở đây để kể chuyện, đúng không? Chúng ta ở đây để mơ... cùng nhau. Để kết thúc, tôi muốn chia sẻ một giấc mơ nữa của mình.

Liệu chúng ta có thể huy động sự lãnh đạo, nguồn lực, khả năng tác động và niềm đam mê của chúng ta để nhân rộng ý tưởng “Bhutan vì Cuộc sống” ra các nước khác, qua đó họ cũng có thể bảo tồn các khu thiên nhiên của họ mãi mãi.

Cuối cùng, cũng có nhiều quốc gia cũng có cùng khó khăn như chúng tôi. Họ cũng có nguồn tài nguyên thiên nhiên để giúp thế giới cùng phát triển bền vững, chỉ có điều họ có thể không có nguồn lực để đầu tư cho việc đó ngay bây giờ. Liệu chúng ta có thể thiết lập “Trái đất vì Cuộc sống”? Một quỹ toàn cầu để kích hoạt “Bhutan vì Cuộc sống” trên toàn thế giới.

Tôi mời các quí vị giúp đỡ tôi để mang giấc mơ này ra khỏi biên giới đến những người quan tâm đến tương lai của trái đất. Sau cùng, chúng ta ở đây để cùng nhau mơ, cùng nhau hành động để cùng chống lại BĐKH, để cùng bảo vệ trái đất. Bởi vì thực tế là chúng ta đang sống trên trái đất cùng nhau. Chúng ta có thể ăn mặc khác nhau nhưng chúng ta cùng sống trên trái đất.

Cám ơn quí vị rất nhiều.


Theo clip: Excellent speech by the PM of Bhutan in a TEDtalk.
Vietsub is provided by Tran Hoang Yen, a freelancer, who care about the future of our planet.


Và người biên dịch ra tiếng Việt cũng tuyệt vời.
Cám ơn bạn Trần Hoàng Yến.

TTM xin mạo muội gõ lại lời dịch của bạn từ clip.
26/04/2016



--> Read more..

Sunday, April 24, 2016

Con đừng đánh ta nữa, ta rất đau..

PHẨN NỘ!

Sáng nay con bé Hà gửi cho tôi một cái clip ở trong một trang “Đời sống ở Liên Giang 連江生活”, xem xong thấy thật là phẫn nộ!

Cái clip này chắc được quay trong một bệnh viện nào đó ở huyện Liên Giang, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, do một người ngồi ở giường đối diện, chắc vì quá phẫn nộ khi thấy sự đối xử nhẫn tâm của người phụ nữ trẻ đối với người mẹ già nên đã quay và đăng vào trang web weixin của Trung quốc.

Vì tiếng nhạc lớn quá nên tôi không nghe được lời. Chỉ copy nguyên văn những lời được ghi ở trên trang web và chụp cắt hình từ clip gửi vào đây để cho ta thấy một số sinh hoạt về đạo đức gia đình ở Trung quốc hiện nay, trải qua mấy mươi năm đại cách mạng xã hội, văn hóa, đã sản sinh ra một bộ phận con người - có lẽ nhỏ thôi - mong rằng thế, đã có những đứa con nỡ nhẫn tâm tát mẹ và đối xử tàn tệ với mẹ già như clip mà ta xem.

DƯỚI ĐÂY LÀ NHỮNG LỜI BÌNH TRONG CÁI CLIP, DO TÔI BIÊN DỊCH.

CHỮ GIẢN THỂ
(là những dòng chữ mà tôi copy từ trang web về)

连江生活
【愤怒】不好意思!我必须曝光这个恶女人!连江人看完都怒了!
不好意思!我必须曝光你!
你别打我,你打我的可疼
老来难,老来难,劝人莫把老人嫌。当初只嫌别人老,如今轮到我面前。
谁都有老的一天,父母将你养育成人,你却如此对待他们。
对于此人,我们要让更多的人知道他们。
我们要让社会舆论去谴责他们。

CHỮ PHỒN THỂ
là những dòng chữ trên do tôi chuyển thể sang trước khi dịch, vì tôi chỉ quen đọc chữ cổ mà thôi.

連江生活 (Liên Giang Sinh hoạt)
(Là tên của trang web : tạm dich là Đời sống ở Liên Giang)

【憤怒】不好意思!我必須曝光這個惡女人!連江人看完都怒了!
【Phẩn nộ】Xin lỗi!Tôi cần thiết thấy phải bộc lộ bản mặt của ác nữ nhân này! Người Liên Giang xem xong ai nấy đều rất phẩn nộ!
(cầu này là dòng chữ của người đăng cái clip này lên.)


不好意思!我必須曝光你! Xin lỗi! tôi thấy cần thiết phải đưa cô ra giữa ánh sáng mặt trời.



你別打我,你打我的可疼 - Con đừng đánh mẹ nữa, con đánh mẹ rất đau..
(lời người mẹ già cứ rên rỉ theo cái véo và tát của người phụ nữ ấy ..)



老來難,老來難,勸人莫把老人嫌。當初隻嫌別人老,如今輪到我面前。
Già sẽ khổ, già sẽ khổ, khuyên người đừng chê bai người già, trước đây chỉ chê bai cái già của người khác, như bây giờ đến lượt cái già đã đến trước mặt tôi rồi.


誰都有老的一天,父母將你養育成人, 你卻如此對待他們。
“Ai rồi cũng sẽ đến lúc phải già đi, cha mẹ đã dưỡng dục bạn nên người, vì vậy sao lại đối xử với cha mẹ như thế. - Thọ Kim biên dịch


對於此人,我們要讓更多的人知道他們。 我們要讓社會輿論去譴責他們。
Đối với những hạng người này, chúng ta phải để cho nhiều người biết đến họ. Chúng ta phải để dư luận xã hội lên tiếng khiển trách họ.



Để xem được clip, các bạn click vào đường link ở đây:
* Trang Đời sống ở huyện Liên Giang, Phúc Kiến, Trung Quốc.
Khi vào trang web, vì cái clip và nút mở rất nhỏ, bạn click vào sẽ xem thấy video nhé.

Mong rằng ở VN mình không có cảnh này ! Nếu đã có thì hãy sửa sai. Luật Nhân Quả ở ngay trước mắt, đừng sống trong u mình ác trược mà mất hết đạo nghĩa làm người.

TTM
biên dịch 24/04/2016

--> Read more..

Friday, April 22, 2016

HÀNG HIỆU và MÔI TRƯỜNG

Nhân ngày Trái Đất (Earth Day), bà già này lại muốn nói về hàng hiệu.

Nghe cũng kỳ, tại sao mà hàng hiệu lại liên quan đến ngày Trái đất!

"Ngày Trái Đất là ngày để nâng cao nhận thức và giá trị của môi trường tự nhiên của Trái Đất. Ngày Trái Đất được tài trợ bỏi thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Gaylord Nelson như một cuộc hội thảo về môi trường được tổ chức lần đầu tiên vào 22 tháng 4 năm 1970".. Theo trang vn.wikipedia.




Ngày Trái đất là ngày mà cả thế giới lên tiếng để bảo vệ quả đất với mong muốn có môi trường sống thân thiện cho loài người ở khắp hành tinh này, thế mà tôi lại nói đến hàng hiệu.

Dĩ nhiên ai cũng biết, HÀNG HIỆU là sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, dĩ nhiên cũng là sản phẩm đắt tiền.

Trong số đông người Việt mình đến với hàng có thương hiệu, có lẽ điểm chung đầu tiên là vì muốn khẳng định đẳng cấp của mình trong xã hội, là "tôi chỉ xài hàng hiệu, tôi không xài hàng rẻ tiền.." v.v.. và v.v...

Mà ít ai biết rằng, những nhà máy, xí nghiệp để ký kết được một hợp đồng sản xuất những sản phẩm có thương hiệu đó đã phải cam kết với người đặt hàng như thế nào!


Căn cứ những chuẩn mực đặt hàng của từng thương hiệu đặt ra, nhà máy phải CAM KÊT TUÂN THỦ thực hiện triệt để những cam kết đó trong nhà máy của mình. ("WORLDWIDE CODE OF BUSINESS CONDUCT").

Có rất nhiều CHUẨN MỰC mà nhà máy phải tuân thủ, nào là "tuân thủ chế độ tiền lương, tiền thưởng của nước sở tại, thời gian làm việc và nghỉ ngơi cho người lao động, nào là không được sử dụng công nhân chưa tới tuổi lao động, nào là không được phân biệt đối xử lao động (nam, nữ, có thai..) (nhân quyền), nào là an toàn trong lao động.. trong đó chuẩn mực quan trọng nhất là XỬ LÝ NƯỚC THẢI VÀ CHẤT THẢI nhằm bảo vệ môi trường nơi đặt nhà máy.

Các thương hiệu hàng đầu thế giới luôn có đội ngũ chuyên nghiệp để theo dõi và đi khắp các nhà máy ở trên thế giới, nơi nhận đơn hàng của họ để kiểm tra những chuẩn mực này. Họ rất sợ những nhà máy sản xuất sản phẩm của họ vi phạm các chuẩn mực mà họ đặt ra để bảo vệ thương hiệu của họ. Một khi bị người tiêu dùng phát hiện sản phẩm của hãng họ vi phạm những CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC đồng nghĩa với việc người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm của họ, đồng nghĩa với việc phá sản hàng loạt.

Ngoài việc các nhà máy đó bị sự giám sát của người đặt hàng (chủ thương hiệu), họ còn bị giám sát với nhà nước sở tại nữa (như sở Lao động sở Tài nguyên và môi trường..).

DO ĐÓ, người tiêu dùng mua hàng hiệu là ngoài việc mua sản phẩm có CHÂT LƯỢNG CAO, CÓ ĐẲNG CẤP, còn mua cả sự AN TOÀN về TINH THẦN mà sản phẩm đó được gắn vào nữa. Đó là HIỆU ỨNG CỦA SẢN PHẨM HÀNG HIỆU & MÔI TRƯỜNG. Và trong quá khứ, không ít các nhà máy vi phạm các chuẩn mực như nhân quyền như môi trường.. trong xí nghiệp đã bị những nhà đặt hàng cắt đơn hàng.

@

TRỞ LẠI VIỆC THỰC HIỆN SẢN XUẤT SẢN PHẨM VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, TRONG ĐÓ CÁC NHÀ MÁY PHẢI TUÂN THỦ VIỆC XỬ LÝ NƯỚC THẢI VÀ CHẤT RẮN.

Để thực hiện chuẩn mực xử lý nước thải và chất rắn trong xí nghiệp là một việc vô cùng tốn kém, đòi hỏi kỹ thuật xử lý và công nghệ xử lý cao. Các nhà máy đó phải xử lý sao cho nước thải sau khi xử lý xong nước trở lại như NƯỚC SẠCH có thể sử dụng được mới được xả ra ao, hồ, sông, suối và biển cả...

Điều này đòi hỏi tập đoàn sản xuất đó phải có cái TÂM. Cái Tâm mà người lãnh đạo cao nhất đó cam kết đối với con người và môi trường nơi họ đến, và cái tâm không THAM.

Tôi nhớ, ngày còn là học sinh sinh viên, tôi đọc những quyển sách nói về công nghệ dệt nhuộm vải ở nước Anh trong thời kỳ trung cổ và cận kim, ngày đó đường phố của họ ô nhiễm bẩn thỉu.. sau khi đất nước họ phát triển, thì những công nghệ đó được di dời sang những nước thuộc địa nghèo nàn lạc hậu..

Trở lại vấn đề VN ta, từ sau năm 1986, trong thời kỳ đất nước đổi mới, nhà nước ta trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, theo lời mời gọi những tập đoàn ở các nước tiên tiến họ đã chuyển công nghệ và nhà máy họ đến VN dưới danh nghĩa nhà đầu tư họ mang công nghệ tiên tiến đến để giúp đỡ đất nước ta phát triển.

Từ đó, NGOẠI TRỪ những nhà đầu tư thực tâm đúng nghĩa, họ mở nhà máy tại nước ta, ngoài việc tạo công ăn việc làm cho người lao động của nước sở tại, họ có lãi và dân ta nhờ đó cũng thoát nghèo, họ còn cam kết tuân thủ bảo vệ nhân quyền và môi sinh trong xí nghiệp và ở nơi mà họ đặt nhà máy ra, THÌ cũng không ít những tập đoàn rất danh tiếng như các vụ án mà ta đã phát hiện đã làm ô nhiễm dòng sông Đồng Nai một thời, bây giờ thêm một tập đoàn mà sáng nay đọc báo tôi thấy đã điểm tên - là một tập đoàn tiếng tăm, họ chuyên sản xuất các sản phẩm nguồn như vải, sợi.. - , họ đã nhẫn tâm đưa ỐNG XẢ NƯỚC THẢI CHƯA QUA XỬ LÝ xuống thẳng sâu vào ĐÁY BIỂN miền trung ở đất nước ta...

Những sản phẩm mà những dự án đó thực hiện tại VN, dù là sản phẩm nguồn hay sản phẩm tiêu dùng, đều là những sản phẩm có THƯƠNG HIỆU, và qua sự việc ở VN mấy ngày qua, họ đã VI PHẠM một trong các CHUẨN MỰC mà họ đã cam kết khi thực hiện ĐẦU TƯ tại VN ta, đó là BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XANH THÂN THIỆN ở nước sở tại.

QUA báo sáng nay, nguồn nước thải xuống biển có lẽ đã từ lâu mới khiến cá chết hàng loạt như thế. Vậy các ngành chức năng với trách nhiệm giám sát định kỳ trong suốt thời gian nhà máy đó hoạt động đã làm được việc gì?

Từ tình hình của cá và môi sinh chết ở sông ở biển, cho thấy việc quản lý môi trường sản xuất ở trong các khu công nghiệp hiện nay cũng rất đáng báo động, nếu không có sự giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng, thì phải đợi một thời gian dài mới phát hiện ra hậu quả của nó, có lẽ đến lúc này thì sự việc đã thôi rồi.

Nhân ngày Trái đất, tôi cũng muốn góp đôi lời..

TTM.
22/04/2016

***********************************
--> Read more..

Tuesday, March 29, 2016

“Ba kể con gái nghe!”




Ngày hôm qua, khi thấy bên trang của thằng cháu rể post một tấm hình lên, Tài Dì này đã định nhăn nhó lắm lắm!! Nhăn nhó vì nó dám vạch cái rún xinh ngày ấy mà bây giờ đã biến thành cái rún lồi xấu xí của con vợ nó ra, rồi vẽ đủ thứ lên đó, rồi post nó lên face! xem có bực không cơ chứ! May mà lúc ấy bà Dì này bận đi chơi ở ngoài trời, không thôi thì biết tay Dì rồi.



Nhưng khuya nay, khi xem một album BA KỂ CON NGHE mà thằng nhỏ ý post lên, Tài Dì mới “bình tâm” lại, Tài Dì click từng tấm, từng tấm mà đọc mà xem mà.. chợt thấy cưng nó, cưng thằng cháu rể này quá đi mất thôi! huhu... Cưng đến phát khóc lên, cưng đến cảm động, cười đến rưng rức với từng câu chuyện mà bố Tèo Nguyễn Ngọc Tú đã kể lể với Tép, đứa cháu ngoại gái mới loading có 67% trong bụng của mẹ Hột Mít Giang Ngân Bùi - cháu của Tài Dì này.


CÂU CHUYỆN NHƯ SAU :


Tép à,

Vậy là con đã… loading được 67% rồi đấy. Mấy ngày nay mẹ bảo trong đó con nhào lộn dữ lắm, xoay chuyển hết góc này đến góc khác, làm ba tưởng tượng là bên trong bụng mẹ có nguyên một cái máy giặt.

Nhưng con khỏe thì ba mẹ vui. Nhưng mà để con được như vậy thì con có biết là mẹ và ba đã phải cố gắng lắm không. Không tin thì để ba kể (công) cho con gái của ba nghe nhé. Nghe xong thì bắt chước ba mẹ, nỗ lực để chuẩn bị cho cột mốc 70%, một cột mốc quan trọng khi con bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc về đích nhé!

Bắt đầu nào…
1


Hẳn nhiên là đầu tiên, ba và mẹ cưới nhau rồi mới có con, chứ không thì ông ngoại đã cạo đầu ba rồi, Tép hỉ?!
2


Nhưng dù ông ngoại không cạo đầu ba thì ba cũng đem đầu ra tiệm hớt tóc bảo cạo. Vì cái ngày Trăng Mật đầu tiên ngoài Đà Nẵng trời nóng vỡ mật, thế là tóc ba theo gió bay xa…
3


Lúc mẹ gọi điện bảo ba gỏn lọn: “2 vạch!” là khi tóc ba mới mọc lên cũn cỡn. Lần đó chính là khi ba mẹ có Tít. Niềm vui chưa được bao lâu thì Tít ra đi, đêm hôm ấy dài như vô tận. Nhưng rồi chẳng lâu sau đó, mẹ lại reo vào điện thoại với ba “2 vạch”, và lần này chính là con.
4


Ai chà chà, thế là ba lại có dịp ra vẻ đảm đang… Nhưng tính ba chả hiểu sao lại cộc cằn hẳn lên, cứ trợn mắt thét vào mặt mẹ mỗi lần mẹ đòi rớ vào cây chổi, cái máy giặt hay cái nùi rửa chén. Ba thấy mình thật thô lỗ… 
5


Cho nên ba bù đắp cho mẹ bằng cách mỗi sang đánh thức mẹ dậy bằng một bài mát-gần, mát-xa 2 chân, 2 cẳng.
6


Rồi thì ga-lăng nghiêng xe 1 góc 37 độ 5 để mẹ khỏi phải nhón cao khi ngồi lên yên, dù sau đó phải khó khan lắm ba mới cân bằng xe được. Cái cảnh này nếu khi lớn lên con có dịp chở 2 con heo ở yên sau con sẽ hiểu. 
7


À, nhiều lần mẹ bảo con đòi ăn khuya rồi bắt ba đi mua. Sau này ba sẽ gặp con hỏi trực tiếp để đối chứng.
8


Riêng cái khoản “Kể chuyện đêm khuya” là do ba tự nguyện. Đơn giản là ba rất hâm mộ Nguyễn Ngọc Ngạn. Ba nghe mẹ đồn là hôm nào ba về trễ là con khó ngủ, chả biết phải không chứ ba dự biết là vì mẹ thiếu hơi ba thì có. Có gì cứ nói thẳng con hén, chuyên gia bán cái! 
9


Mỗi tối khi con chìm vào giắc mộng và mẹ bắt đầu ngáy như heo rống thì ba bắt đầu công việc của mình: Cày đêm để cuối tháng trả thẻ tín dụng. Hôm nào rảnh thì ba ngồi mày mò học thêm, hoặc là đọc sách báo.
10


Tép thấy đấy, để con vui khỏe thì ba vất vả lắm cơ, cho nên sau này con phải thương… mẹ thật nhiều lên nhé! Bởi vì mẹ còn cực nhọc gấp mười lần ba.
11


Bởi vì dù mỗi sáng ba chở mẹ đi, nhưng đến chiều là mẹ phải tự đi bộ về do ba chưa đón được.
12


Mẹ tạt ngang siêu thị để chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà mình đấy. Khi ba chưa về tới cửa là đã ngửi thấy mùi đồ ăn rồi. Cơm ngoài tiệm ba bỏ bữa cũng được chứ cơm mẹ nấu thì lần nào ba cũng vét nồi.
13


Dù ba mát-xa mỗi sáng nhưng nhiều đêm mẹ bị chuột rút đau điếng người. Riết rồi mỗi lần ba đang ngủ mà nghe mẹ la toáng là biết ngay, lập tức bật dậy rồi “giải huyệt” cho mẹ một cách chuyên nghiệp. Tất nhiên là trừ vài lần mẹ bị rút chân bên này ba lại giải chân bên kia. 
14


Bây giờ nói đến chuyện Tép hành mẹ đây này! Lúc mới có con ba mẹ hí hửng chờ cho đến cái ngày cảm nhận được cú hích nhẹ đầu tiên của con. Cuối cùng thì cũng đến, nhưng không bao lâu thì nó chuyển thành cú đạp, cú đấm, cú đá, cú chọoc, cú thọi… Lúc này thì không cần đợi đến sau này con tốt nghiệp phổ thông, ba cũng có thể quả quyết được rằng con sẽ trở thành một võ sĩ! Me bảo con toàn song phi.
15


Dù bị vào vai bao cát cho con ngày đêm rèn luyện, mẹ vẫn phải ngày ngày đi làm để phụ ba kiếm tiền chuẩn bị cho Tép con ra đời. Bởi vậy ba nói mẹ cực mười lần ba cũng đâu có quá.
16


17


Nhưng nhọ thay, bất chấp nỗ lực lẫn cả những lời nịnh nọt của mẹ, bác sỹ bảo con về với Team ba, Team siu nhân mũi cao chân dài. Nghe vậy mẹ bĩu môi: “Tui cũng cao chứ bộ!”. Ba thấy thiệt vô căn cứ. 
17


Tép à,

Những điều ba vừa nói với con chả phải kể công kể cán gì đâu, chỉ là cho con biết rằng ba mẹ vui mừng thế nào khi con đã đến với ba mẹ. 

Ba nghĩ, lần đó khi Chúa gọi Tít về trời, Người đã không nỡ để ba mẹ đau buồn quá lâu, nên đã gửi một thiên thần khác là con xuống với ba mẹ. Ba mẹ tin là như thế. 
18


19


Hãy khỏe mạnh con gái nhé.
Ba mẹ yêu con và mong con lớn lên mỗi ngày.
---------------------------------------------------
Tp.HCM, 20.03.2016 70% loading…







Vợ chồng Mít Tèo với Bố Mẹ và hai em

Vợ chồng Mít Tèo với Bố mẹ hai bên

Vợ chồng Mít Tèo với già đình của Tài Dì TTM


Tèo Nguyễn Ngọc Tú à!

Sáng sớm hôm nay, Tài Dì đọc xong từng tấm hình, những tấm hình tài hoa của con, tấm hình biết nói lên từng tấm lòng mà con gửi cho đứa cháu ngoại mới loading 67% của Tài Dì, mà lòng Tài Dì chợt cưng con quá đi, cưng như hôm xưa lúc mà mấy đứa con đi phát thiệp cưới, ngày ấy Tài Dì này đã cười ra nước mắt vì CÁI THIỆP CƯỚI ĐỘC ĐÁO CỦA HỘT MÍT, vì những bức hình tài hoa của con - một thằng cháu đào hoa lúc đầu cũng bị Tài Dì dị ứng vì cái tài hoa và đào hoa của con, Tài Dì chỉ sợ vì những tài hoa và đào hoa đó có làm khổ cháu gái của tài Dì không? Lúc đầu là thế, là vì tài Dì thương mấy đứa cháu gái của Tài Dì, trong đó có con nhỏ Ngọ nhỏ Hột Mít của Dì, thế thôi, lòng của các bậc trưởng bối ai mà không thế phải không con!

Nhưng cái quan trọng là, bây giờ Tài Dì thấy cưng con rồi, cưng từ khi thấy con đau lòng lúc cu Tít đến nhưng chỉ ở vài ngày đã bỏ hai đứa con mà về với Chúa, và cưng vì bây giờ các con có Tép và Tép có con là daddy và Hột Mít của Dì có con là đức ông chồng..

Người đàn ông khi mà biết thương con cái, thương từ lúc mới có “hai vạch”, dõi theo từng ngày sự lớn lên của con cái trong bụng mẹ, thì sẽ là người đàn ông tốt trong gia đình. Chỉ cần ra dáng là đàn ông thì Dì đã cưng lắm rồi con ạ!

Mà con nhớ kỹ nhé! Tài Dì viết ra đây, vì con biết viết ra bằng cả lời và hình ảnh, nên Dì post về đây lưu lại, chứ không phải chỉ có con là thằng cháu rể tài hoa đẹp chai biết thương vợ con đâu, trong tay của Dì bây giờ, không nói tới con rể và hai đứa con trai của Dì, trong tay của Dì có tới mấy thằng cháu rể giỏi dắn và luôn quí trọng gia đình nữa đó! Chẳng qua tụi nó không hoặc chưa viết thành lời và không có tài vẽ, họa như con mà thôi... hihi và điều này cũng làm Dì thích đó con.

Nhưng các cháu rể nên nhớ là, các đứa cháu gái của Dì không bở đâu đó nhé! Và nhớ kỹ là Dì luôn dõi theo các con.

Thương con!
Tài Dì Ttm Gốc Mai
21/03/2016

Album : Già rồi cưới nhau đi
Note: Thiệp cưới độc đáo của Mít Tèo 

========================================
--> Read more..

Những entries gần đây



2015-06-17 - 88,616 views

Song Ngư..

“Hòa vào dòng chảy, và luôn mong muốn bản thân thay đổi khác hơn ngày hôm qua.”






.. Và mây vẫn trôi giữa dòng đời bụi bặm... Người đi qua đời.. chợt.. cũ đến chẳng còn quen....

Thiên di



- Bớt ăn thịt, ăn nhiều rau
- Bớt ăn mặn, ăn nhiều chất chua
- Bớt ăn đường, ăn nhiều hoa quả
- Bớt ăn chất bột, ăn nhiều sữa

- Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều lần
- Bớt đi xe, năng đi bộ
- Bớt phiền muộn, ngủ nhiều hơn
- Bớt nóng giận, cười nhiều hơn

- Bớt nói, làm nhiều hơn
- Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn.





Dấu chân..

Flag Counter
15/02/2016 - 64,319 pageviews - 63 Flags colledted

Labels

Bảo Huyên (7) Bhutan (1) Biên dịch (12) Birthday (13) Bs Đỗ Hồng Ngọc (1) buigiang (1) Campuchia (9) Canada (3) carpenters (1) children (7) chinese (11) chinese12 (1) Cooking (1) culture (8) dalat (1) Đặng Thế Phong (1) Danh nhân (2) Đi đó đây.. (28) Đinh Thị Thu Vân (2) doanchuantulinh (1) Đọc sách báo (14) event (4) Facebook (1) family (8) france (2) Friend (50) Gia đình tôi (35) Hà Nội 2013 (9) hanoi (7) heomap12 (1) Hoa cỏ (14) hoa Đào (1) Hoa Đỗ Quyên (2) Hoa Kỳ. (6) Hoa Lộc vừng (3) Hoa Mai (2) Hoa Phượng. (1) Hoa Sen (1) Hoa Sứ (2) Hoa thay lời muốn nói. (3) hoa2 (3) hoa2012 (5) hoa3 (2) Học làm blogspot (7) Hồi Ức nằm đâu đó.. (7) impressive (1) Khánh Ly (2) khuc (1) kinhthi (2) lehuuha (1) life (4) Luận về cái tên TTM (1) memory (5) mixmusic (1) Món ăn (2) multiply3 (1) Mười hai con Giáp (2) music (18) musicpoem (2) New year (1) ngothuymien (2) Nguyễn Ngọc Chính (3) nguyensa (1) nguyentatnhien (1) nhạcphạmduy (1) nhạctcp (1) nhạctcs (3) nhạctrữtình (1) Như Thị (2) Những chuyến đi của tuổi 60 (15) Những điều trông thấy (1) nonfiction (1) phamduy (2) Phong tục tập quán (1) poem (26) poem10 (14) poem12 (4) Quotation (4) Russia (1) Sài Gòn. (3) saigon (4) Sức khỏe là Kim cương (8) Sưu tầm (4) tagore (1) taiwan2012 (11) Tản mạn (30) tcp (2) tcs (6) Thơ's TTM - Remil Nguyễn phổ nhạc. (1) Tibet (4) Tiễn biệt (3) Tôi (105) Tôi ở góc trời. (1) tovu (1) Trang Tôn giáo (14) travel (5) travelcambodia11 (9) travelcambodia12 (1) Truyện ngắn (3) uk (1) uyenlinh (1) Viếng cảnh chùa (1) vietnam (4) vta (1) Vũng Tàu (3)

Luôn nhớ!

Bạn đã ghé thăm đó ư!

Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

Mutiply 27/02/2013: 315,715 pageviews; 118 flags collected
free counters



Người xin lỗi trước là người dũng cảm nhất.
Người tha thứ trước là người mạnh mẽ nhất.
Và người lãng quên trước sẽ là người hạnh phúc nhất...