Trong tháng Hai vừa rồi, chúng tôi đã có một hành trình vượt biển đến đảo Phú Quốc. Hôm ấy, dù chúng tôi đã thuê một chiếc xe để đưa đến những điểm du lịch, và con bé Xuân Vy đâu có đi theo, thế mà khi chúng tôi vừa đặt chân lên đảo thì nàng nhỏ ấy đã gửi tin sắp đặt và dặn dò tôi đủ điều, nào là ăn uống ở đâu, nên đến các điểm đi chơi nào, rồi các điểm đến ở đảo phía Nam và đảo phía bắc, đặc biệt cứ dặn đi dặn lại là cô phải ghé chùa Hộ Quốc nữa.
Do vậy, vào ngày thứ hai ở Phú Quốc, sau khi đi thăm thú nơi bán những sản phẩm đặc sản của Phú Quốc, chúng tôi trực chỉ đến viếng ngôi chùa nổi tiếng ở Phú Quốc để xem chùa Hộ Quốc có gì đặc biệt không mà con bé Xuân VY ấy phải dặn đi dặn lại thế!
Tuy nhiên, để rộng tầm nhìn, tôi cũng phải gõ hỏi ông Google để xem chút lịch sử hình thành của chùa, được biết như sau:
“Chùa Hộ Quốc (hay Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc)
là một trong những công trình nằm trong dự án khu du lịch tâm linh có diện tích hơn 110ha (diện tích chùa chiếm khoảng 12%) thuộc ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Sau 14 tháng thi công, chùa Hộ Quốc đã cơ bản hoàn thành với các hạng mục như: chánh điện, nhà tổ, cổng tam quan… Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc thời nhà Lý và Trần. Tổng kinh phí xây dựng 80 tỷ đồng và đường giao thông 20 tỷ đồng. Toàn bộ kinh phí do Ban quản lý dự án vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong nước đóng góp.
Tuy nằm trong cùng hệ thống “Thiền Viện Trúc Lâm” nhưng kiến trúc có chút khác biệt so với các Thiền viện nơi khác bởi chùa được dựng hoàn toàn từ các cột “gỗ lim” nên chiều cao của các gian cũng bị giới hạn theo chiều cao của cột gỗ. Ngoài ra trong chùa cũng có ban thờ Đức Ông giống như các chùa ở Bắc Bộ.
Ngôi chùa lớn nhất đảo Chùa Hộ Quốc, Phú Quốc là một tổng thể kiến trúc vừa hùng vĩ, lại tinh tế, giao hoà với thiên nhiên, trời biển. Hàng năm, ngôi chùa mang đậm dấu ấn triều đại nhà Lý và nhà Trần thu hút hàng ngàn Phật tử và du khách đến hành hương và chiêm bái.
Lịch sử hình thành Chùa Thiền Viện Trúc Lâm Phú Quốc
– Ngày 14 tháng 10 năm 2011, Chùa bắt đầu được xây dựng trong dự án khu du lịch tâm linh với tổng diện tích của dự án là 110ha, chúa chiếm diện tích 12% trong tổng 110ha, được coi là một ngôi chùa lớn nhất tại Phú Quốc và lớn nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long.
– Ngày 14 tháng 12 năm 2012, sau 14 tháng miệt mài thì công chùa chính thức khánh thành, đoán phật tử và du khách đến tham quan lễ Phật. Sau khi xây dựng xong tổng mức chi phí xây dựng chùa là 80 tỉ và đường giao thông đến chùa 20 tỉ.
– Năm 2013 -2014, chùa đang được xây dựng các hạng mục phụ nhằm giúp phong cảnh chùa thêm mỹ quan thu hút nhiều du khách.
Dù chỉ mới xây dựng và khánh thành năm 2012, nhưng Chùa Thiền Viên Trúc Lâm Phú Quốc có kiến trúc cổ kính, chạm khắc tinh tếtheo phong cách đình chùa thời nhà Lý và nhà Trần, thời đại mà Phật giáo phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam.
Bước vào cổng tam quan, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 18 pho tượng “La Hán” bằng đá được điêu khắc vô cùng tinh xảo. Bước qua dãy tam cấp cao hàng chục bậc, du khách sẽ thấy Đại Hùng Bảo Điện hiện ra vô cùng uy nghi. Từ Đại Hùng Bảo Điện nhìn ra, bên trái là tháp chuông, bên phải là tháp trống to đẹp tạo thành thế đối xứng, hài hòa với cảnh sắc núi non.
Đại Hùng Bảo Điện được xây bằng “gỗ lim” và đá nguyên thủy có độ bền từ 700 – 1000 năm. Chánh điện chia làm 3 gian:
Ở giữa thờ Phật Thích Ca “niêm hoa vi tiếu, tay cầm đóa sen,
gian bên trái là Bát Nhã Thành Tri thờ tượng Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử ,
gian bên phải là Phổ Hiền Hạnh Nguyện, thờ tượng Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi.
Khác với những ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm khác, Chùa Hộ Quốc Thiền Viện Trúc Lâm Phú Quốc có thêm bàn thờ Đức Ông như các chùa ở đồng bằng Bắc Bộ. Các gian thờ đều được chạm khắc cầu kỳ, sơn son, thếp vàng lộng lẫy."
(Theo Phật Giáo tỉnh Kiên Giang)
THĂM CHÙA HỘ QUỐC.
Thế là xe chúng tôi trực chỉ đi về nơi có chùa! Xe đi qua nhà tù Phú Quốc, rẽ trái vào con đường bê tông nhỏ vượt qua đèo dốc quanh co, đi khoảng 4 km chúng tôi đã thấy cổng chùa.
Gần 11 giờ trưa nắng..
Đây là cổng sau vào chùa, du khách không vào cổng này.
Thêm một đoạn đã tới cổng tam quan của chùa.
CỔNG CHÙA :
Hai bên cổng chính có tượng hai vị hộ pháp và hai cổng nhỏ đi vào chùa.
Bước qua cổng tam quan, một tượng Phật Thích Ca màu ngọc bích.
Phía sau là 4 con rồng đá chạy từ trên cao xuống tạo thành hai con đường bậc thang đi lên chùa, ở giữa là một thảm phù điêu khắc những con rồng và những đóa sen trên xi măng trên đá một màu vàng của nhà chùa, trên đó có những cụm từ nổi tiếng, hai câu của Phật hoàng Trần Nhân Tông và hai câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hai câu của Phật hoàng Trần Nhân Tông tôi không nhớ rõ nữa, riêng hai câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì zoom lại đọc như sau: “Không có gì quí hơn Độc Lập Tự do” và “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.”
Những con rồng bằng đá trườn từ trên cao xuống cổng nhỉn ra biển..
Vôi vữa vẫn chưa trám đều dưới chân bậc thang lên chùa.
Một bia công đức khắc tên người cúng dường đặt ở dưới cằm của rồng đá..
Tôi đã leo lên đến sân chùa nhìn ngược lại về phía cổng Tam quan, từ trên cao ngắm biển mênh mông phía trước cổng chùa. Và không thấy các vị La Hán như trong đoạn “Phật Giáo tỉnh Kiên Giang” mà tôi vừa đọc:
“Bước vào cổng tam quan, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 18 pho tượng “La Hán” bằng đá được điêu khắc vô cùng tinh xảo.”
Bạn tôi đứng chụp tấm hình kỷ niệm trước chánh điện.
Từ Bảo Điện nhìn ra bên trái là tháp chuông.
“Bước qua dãy tam cấp cao hàng chục bậc, du khách sẽ thấy Đại Hùng Bảo Điện hiện ra vô cùng uy nghi. Từ Đại Hùng Bảo Điện nhìn ra, bên trái là tháp chuông, bên phải là tháp trống to đẹp tạo thành thế đối xứng, hài hòa với cảnh sắc núi non.”
Từ Bảo Điện nhìn ra bên phải là tháp trống
Hoa sen trước chánh điện
Đâu bỏ lỡ dịp dù nắng lắm..
Thêm một bạn xinh xinh bên hoa..
“Đại Hùng Bảo Điện được xây bằng “gỗ lim” và đá nguyên thủy có độ bền từ 700 – 1000 năm. Chánh điện chia làm 3 gian:
Ở giữa thờ Phật Thích Ca “niêm hoa vi tiếu, tay cầm đóa sen,
gian bên trái là Bát Nhã Thành Tri thờ tượng Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử ,
gian bên phải là Phổ Hiền Hạnh Nguyện, thờ tượng Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi.
Khác với những ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm khác, Chùa Hộ Quốc Thiền Viện Trúc Lâm Phú Quốc có thêm bàn thờ Đức Ông như các chùa ở đồng bằng Bắc Bộ. Các gian thờ đều được chạm khắc cầu kỳ, sơn son, thếp vàng lộng lẫy.”
(Theo Phật Giáo tỉnh Kiên Giang)
Đại Hùng Bảo Điện
Tiếc là hôm đó, tôi chỉ vái đức Thế Tôn từ bên ngoài cánh cửa, nên chưa kịp nhìn rõ “Ở giữa thờ Phật Thích Ca “niêm hoa vi tiếu, tay cầm đóa sen,”
Mà hình ảnh đẹp đập vào mắt tôi, cô ấy chắc là một tín chủ thuộc môn phái thiền, đã ngội tọa thiền ở đó rất lâu, đến nỗi tôi nghe bên cạnh tôi một bác du khách càm ràm là “muốn chụp tấm hình ở chánh điện nhưng vướng cái cô tây..” Tội cho mấy bác ấy xa xôi lặn lội từ Bắc vào mà không được toại nguyện, lúc ấy tôi quên nhắc với bác ấy là bác có thể search trên Google.
Đây là gian thờ Phổ Hiền Bồ Tát
“gian bên phải là Phổ Hiền Hạnh Nguyện, thờ tượng Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi.”
普賢菩薩 Phổ Hiền Bồ Tát.
Vừa lúc tôi bắt gặp hình ảnh một nhà sư đi ngang qua ban thờ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
“gian bên trái là Bát Nhã Thành Tri thờ tượng Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử ,”
文殊師利 - Văn Thù Sư Lợi Bồ tát
Những cánh cửa trước chánh điện được khắc trạm toàn bằng gỗ lim rất đẹp..
Và các bạn tôi ngồi ở các góc cạnh này cũng rất dễ thương.
Nắng quá nên hôm ấy ai cũng choàng khăn để tránh nắng.
Từ cửa chánh điện nhìn về tay phải, không gian rất thoáng đãng, bình an và đẹp
Đôi bạn thấp thoáng dõi theo nhau ..
Sau đó tôi đi theo phía bên trái đi về phía sau của chánh điện, mới ra khỏi vài bước thì thấy những công trình còn dở dang đang xây, và những tảng đá hoa cương trắng khắc chữ đặt ở đó, tôi tò mò đến xem..
Chụp trực diện: trên phiến đá là một bài thơ kèm theo tên của hai đồng tác giả.
Tò mò tôi bước đi mà quên xem lại tượng của vị Bồ Tát kế bên tên là gì..
Những tấm bia ghi tên công đức của các vị trồng cây lưu niệm quanh chùa..
Vẫn là bia công đức trồng cây lưu niệm..
Những tấm bia bằng đá rất đẹp đặt trên thảm cỏ xanh lác đác mấy cánh hoa màu vàng tí hon.. Tôi không đi hết phía bên phải của chánh điện đến đây thì ngừng..
Tôi sau khi ngắm mấy tấm bia công đức xong, tôi đi về phía chùa .. Bạn tôi đang đứng bên cuối hiên, hành lang bên hông chánh điện.
Phía sau chánh điện là các vị La Hán bằng đá hoa cương trắng (tôi gọi chung là đá hoa cương) đang để ngổn ngang ở sau chùa, chắc sau này sẽ đưa ra đặt ở sau cổng tam quan trước khi lên chánh điện theo mô tả của trang PG tình Kiên Giang đây.
Hậu điện ..
La Hán Trầm Tư.
La Hán Trầm Tư
Phía dưới tượng La Hán có ghi công đức của Phật tử cúng dường.
Trời nắng quá, sợ các bạn đợi nên tôi không ghé vào hậu điện này mà chỉ đi vòng quanh chùa..
Vẫn chưa đi xem hết các bức tượng La Hán cao to điêu khắc bằng những tảng đá nguyên khối lớn..
Đóa sen dưới nắng ..
Thật là vô lượng công đức !
Những bức tượng các vị La Hán được điêu khắc bằng đá hoa cương chắc chỉ là để tạm quanh chùa..
Các ngài ngồi rải rác dưới nắng..
Những bia đá ghi công đức của các ngài sáng lập chùa..
Những phiến bia đá công đức vô lượng.. vẫn đặt rải rác ở quanh hai bên chùa..<
Có điều cái tấm bia này không được chăm sóc nên nhìn không được thẩm mỹ lắm làm giảm hẳn độ công đức của chư vị cúng dường..
Chúng tôi đi trở ra, đứng từ khoảng sân ở khu chánh điện nhìn xuống cổng tam quan, phía trước là một bầu trời và biển trong xanh..
Trưa nắng, nên tượng Phật đá xanh này cũng tĩnh lặng.. tôi quay lại thận trọng chụp lại một tấm hình.
Xe đón chúng tôi ở bậc thềm..
Bước ra khỏi cổng tam quan..
Vậy là tôi đã rảo quanh, dù chưa đi hết một vòng của chùa, chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, đi lướt qua vài cảnh chùa.. ghi lại một ít hình ảnh quanh chùa.
Tôi chợt nghĩ, ngày trước khi chưa xây chùa, chắc chẳng có con đường bê tông đẹp đi quanh núi, nơi này sẽ chỉ là rừng chi chít cây.. !! Thú thật, vì cảnh quan và các công trình của chùa đã xây dựng xong và đang xây dựng đã thu hút hết sự chú ý của tôi, nên tôi cũng chưa kịp phóng hết tầm mắt để nhìn ra sau núi nữa.
Những công trình cúng dường vĩ đại này đòi hỏi rất nhiều nguồn tài lực, làm tôi lại nhớ đến một lần VIẾNG CHÂU THỚI TỰ ở Bình Dương vào năm 2013, và một lần viếng chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Cho thấy:
Qua xưa và nay cho ta thấy, người thời xưa cũng thế, người thời hiện đại cũng thế, khi người ta sau khi làm xong những việc lớn trong đời, khi người ta có quá nhiều tiền thì thường người ta quay về với cái bên trong của mình, trong đó có việc cúng dường, việc xây dựng chùa chiền lăng tẩm...
Nhưng việc xây chùa, Phật tử phải cúng dường như thế nào mới tạo ra công đức! Phật tử thực hiện pháp cúng dường như thế nào? Có thể ai cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được.
Tôi vẫn đang suy nghĩ về điều này. Nhưng dù gì đi nữa, có lẽ cái được lớn nhất cho xã hội cho dân gian là dù những Phật Tử đó cúng dường với những mục đích gì, thì tự Phật tử đó sẽ theo cái nghiệp lực của mình mà dẫn đi, còn chúng sanh nhờ vào sự phát tâm cúng dường của họ mà ngày nay ta có những ngôi chùa để đời như chùa Bút Tháp, chùa Phật tích, chùa Đậu, chùa Trấn quốc.. chùa Dơi, chùa Xá Lợi, chùa Vĩnh Nghiêm.. giữ gìn Tam Bảo, làm nơi để cho chúng sanh tu học đạo vậy cũng há chẳng tốt sao!
Nam Mô Đại Thừa Vô Lượng Thọ Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát!
TTM
Viếng Phú Quốc, ngày 28/02/2017 cùng các bạn Dave Duong và Lương Hồng Hoa.
Ồ, hóa ra chị vẫn nuôi trang này nữa à. Doanh nhân mà vẫn dành thời gian chăm mấy trang này, quí quá.
ReplyDelete