Tuesday, May 7, 2013

Bến xe.


Mấy hôm tôi mãi suy nghĩ về cái "bến xe", tiếng Anh thì viết là "bus station", tiếng Hoa thì gọi là "車站 xa trạm" người Việt mình thì không biết tự bao giờ thì gọi đó là "bến xe". Ở đây tôi chỉ muốn nói đến cái "bến xe" không đề cập đến những cái bến ở sông nước hay ở trên bầu trời.

Con người trong xã hội, nhu cầu đi lại là quan trọng, ngày xa xưa thì phương tiện duy nhất là đôi chân của chính mình, người dân thường thì đi bộ, khi mệt dừng chân nghỉ ngơi, khỏe lại lên đường đi tiếp, tầng lớp cao hơn thì ngồi kiệu do người khiêng, đi mãi mà tạo thành con đường; sau này thì dùng súc vật làm phương tiện để đỡ đôi chân; rồi biết dùng con thuyền độc mộc.. ; dần dà cho đến bây giờ ta có đủ loại phương tiện đi lại cho nên hình thành các bến, các ga, các trạm cho xe đò, xe lửa, sân bay...

Tôi thì chưa có đến Mỹ và các nước châu Âu, chỉ một lần transit qua sân bay Charles de Gaulle ở Pháp để đến Ukraina vài ngày sau đó đi bằng xe lửa vào Nga, ở đó tôi biết được ga xe lửa ở Nga và bến xe ngầm ở Saint Petersburg. Ở châu Á thì đã nhìn thấy trạm xe ở Singapore và nơi tôi thường đi qua nhất vẫn là những cái trạm xe ở Taiwan và cái trạm xe lớn ở Taipei (Đài Bắc).

Tôi chợt muốn tìm hiểu về từ ngữ "bến xe" ở VN mình được hiểu như thế nào nên lần vào các thông tư của nhà nước. Căn cứ theo Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT do Bộ GTVT ban hành ngày 31/8/2010, là một TT mới ban hành gần đây đã giải thích từ ngữ và yêu cầu đối với "bến xe" như sau:

Điều 3: Giải thích từ ngữ
Trong thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bến xe ô tô khách (bến xe khách) là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện chức năng phục vụ xe ô tô đón, trả hành khách và các dịch vụ hỗ trợ vận tải hành khách.
2. Bến xe ô tô hàng (bến xe hàng) là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện chức năng phục vụ xe ôtô vận tải hàng hóa nhận, trả hàng và các dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hoá.
3. Bãi đỗ xe là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện chức năng phục vụ trông giữ xe ô tô và các phương tiện giao thông đường bộ khác.
4. Trạm dừng nghỉ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện chức năng phục vụ người và phương tiện dừng, nghỉ trong quá trình tham gia giao thông trên các tuyến vận tải đường bộ.
..............

Điều 6. Yêu cầu đối với bến xe

1. Bến xe phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
2. Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho người, hàng hóa và phương tiện trong bến xe và khi ra, vào bến.
3. Bến xe phải xây dựng theo quy chuẩn tương ứng với từng loại bến xe.
...
******************

Thì ra nhà nước giải thích từ ngữ "bến xe" là thế, sở dĩ tôi liên tưởng đến cái "bến xe" là chỉ vì tôi mãi suy nghĩ về những chuyện mà tôi sẽ kể sau đây.

1* Câu chuyện thứ nhất:
Bến xe Sorya ở Phnom Penh, Campuchia.


Chẳng là hôm 19/4 vừa rồi, nhân nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương, Út Kim - em gái - và Út Lâm nhà tôi cùng đàn cháu đi bằng xe bus đến Phnom Penh thăm tôi. Các cháu nhắn tin là sẽ khởi hành từ 7g30 đến 3g chiều thì đến nơi. Nhưng nào ngờ ngày đó cũng là ngày nghỉ tết Chol Chnam Thmay cuối cùng, khách bạn sau khi qua VN nghỉ lễ cũng kéo nhau trở về Campuchia, nên toàn bộ các xe từ hướng VN qua đều kẹt chờ dài ở bến phà đợi qua con sông Mekong, thế là chuyến xe không đến đúng giờ như dự kiến, làm cho tôi và con bé Vanny Sam (Xuân Hà) đứng đợi ở bến xe Sorya từ lúc gần 3g chiều đến hơn 4 giờ chiều xe mới về đến bến.




Thế là trong thời gian đứng đợi, vì không đem theo mũ nón, nên tôi đi tìm chỗ tránh cái nắng chói chang của mùa hè.. chẳng có chỗ nào có thể đứng được cho yên thân, đứng quanh đứng quẩn, nhìn từng chiếc xe cập bến, người qua kẻ lại, tôi lại đâm ra suy nghĩ..

Nhìn ngắm cái bến xe Sorya, cái bến xe này tọa lạc bên hông chợ Phsar Thmey (New Market), mà trời nắng lắm nóng lên đến 40 độ đó nhé, vậy mà cái bến xe nằm ngay giữa lòng Thủ đô Phnom Penh này chỉ có mỗi một dãy mái tôn và một số ghế để dưới cái mái che nắng ấy - che nắng thôi vì nếu có mưa thì chắc chắn là bị ướt rồi, và nếu đông hành khách thì chắc phải đứng ở ngoài trời chứ làm gì có chỗ mà chen chân vào trong cái trạm đó được.

Đã vào thế kỷ thứ 21 rồi, ở ngay đất nước có một di sản Angkor Wat, mỗi ngày đón biết bao nhiêu là du khách đến và thu biết bao nhiêu tiền từ cái di sản ấy, thế mà tất cả cơ sở hạ tầng đều như ở giữa thế kỷ thứ 20 mà thôi.

Chỗ có mấy cái dù là trạm điều hành của bến xe.

Tôi đứng bên cạnh những băng ghế ngồi ở trong mái hiên của bến xe chụp ra.

Trước trạm điều hành lúc thì đầy xe lúc thì vơi xe..


Cuối cùng mọi người cũng đã đến nơi..
Xong câu chuyện thứ nhất nhé.

Nhóm con cháu - đoàn khách nhỏ quý hóa của tôi.











2* Câu chuyện thứ hai:
Bến xe Bến Thành - Sài Gòn


Trong lúc đứng ở bến xe Campuchia, tôi nhìn quanh nhìn quẩn, hết nghĩ đến di sản Angkor Wat (chuyện này tôi sẽ nhắc lại sau), tôi lại nghĩ tới cái bến xe bus ở trước chợ Bến Thành Sài Gòn, là trạm trung chuyển chính nơi tập trung tất cả các tuyến xe đi và đến của các tuyến trong thành phố hay các tỉnh lân cận. Bến xe ở ngay giao lộ giữa đại lộ Trần Hưng Đạo, đại lộ Lê Lợi, Hàm Nghi.. trước mặt trạm là công trường Quách Thị Trang và chợ Bến Thành biểu tượng của VN, sau trạm là cây xăng và bãi đậu xe buýt đi các nơi.

Tôi vào Google để tìm vài hình ảnh toàn cục của bến xe Bến Thành vậy mà chẳng có cái trang nào có được hình ảnh toàn diện của bến xe này cả, chán thế! may tìm được một cái clip của ai đó làm phóng sự đưa lên trang youtube, nên tôi chụp lại vài tấm để minh họa.

Bến xe bus ở chợ Bến Thành.
Là trạm chính cho tất cả các tuyến đường

Hình chụp từ Youtube

Hình chụp từ Youtube

Người lên người xuống xe bus ở trước bến xe Bến Thành
Hình chụp từ Youtube

Hình chụp từ Youtube



Trạm điều hành xe bus ở trước chợ Bến Thành.


Còn đây là những tấm hình chụp trong lần tôi đi trên xe buýt vào tháng 5 năm ngoái, hôm ấy là lần đầu tiên đi xe công cộng nên tôi cũng sợ lắm, nhưng từ hôm đó đến hôm nay tôi đã có kinh nghiệm đi xe buýt rồi nên cũng không còn sợ nữa, sẽ tiện cho tôi vì đỡ phiền người nhà, mà lại đỡ tốn tiền đi xe taxi khi có thể đi lại bằng xe bus.

Tôi lên xe bus ở đường Lê Thái Tổ, nên phải đứng vì tôi lên ở cái trạm giữa đường, đ đi về trạm ở chợ Bến Thành




Đứng ở bến xe nhìn về phía chợ Bến Thành.



Đến trạm chính ở Bến Thành - là nơi tập trung tất cả các chuyến xe đi về các quận huyện nội thành. Hôm ấy, theo lời các con tôi dặn, sau khi xuống chuyến xe trung chuyển kia, tôi phải chạy đi hỏi và tìm đúng nơi xe ngừng đón khách, tìm đúng số xe bus đi ngang qua nhà tôi để mà leo lên.


Xe đi về hướng đường Hàm Nghi ra đường Tôn Đức Thắng đi về đường Nguyễn Hữu Cảnh...





Còn đây thêm một trạm khác minh họa, là nơi dừng của xe bus ở đường Bạch Đằng, hướng từ chợ Bà Chiểu đi ra ngã tư Hàng xanh. Tất cả các trạm chỉ có một tấm bảng, xe bus ngừng là người lên người xuống.





3* Câu chuyện thứ ba:
Bến xe Đài Bắc ở Đài Loan.


Như trên đã nói, nơi tôi thường đến vẫn là Đài Loan, nên ấn tượng của tôi rất sâu sắc khi nhìn và đi trên những con đường quốc lộ, highway, freeway và nhất là những con đường đi xuyên qua biết bao nhiêu là ngọn núi to núi nhỏ ở cái hòn đảo nhỏ toàn là núi non ở Đài Loan này, thật là khó quên. Nhưng tôi phải quay trở lại với cái bến xe mà tôi muốn đề cập đến ở nơi này.

Ở Đài Loan, ngoài phương tiện cá nhân, phương tiện đi lại công cộng của người dân vẫn là xe bus, metro, xe lửa. Hiện nay thành phố Đài Bắc các tuyến Metro đã kết nối toàn cục, từ Đài Bắc ra các thành phố lân cận và suốt tới cực nam thì ngoài xe bus lớn, còn có xe lửa và hiện nay thay vì đi máy bay bay đến Cao Hùng thì nay đã có tàu metro tốc độ cao đi từ Đài Bắc đến Cao Hùng - thành phố lớn thứ hai của Taiwan - chỉ mất hơn 2 tiếng đồng hồ là đến nơi.

Và nơi tập kết chủ lực là trạm xe ở Taipei. Ai đã đến nơi này chắc sẽ không quên. Và điều đáng nói là cái vị trí của "車站 xa trạm" này có từ rất lâu đời.

Theo trang wikipedia thì lịch sử hình thành của trạm xe Taipei như sau:

1-Trạm xe đời thứ nhất trong khoảng thời gian 1891-1923

清代的台北車站,本建築於1908年拆除
Thanh đại đích Đài Bắc xa trạm ,bổn kiến trúc vu 1908 niên sách trừ
Trạm xe Đài Bắc từ đời Thanh, kiến trúc này đến năm 1908 thì hủy bỏ.

日據初期的北門車站,本建築於1923年拆除
Nhật cứ sơ kì đích bắc môn xa trạm ,bổn kiến trúc vu 1923 niên sách trừ
Trạm xe Bắc môn do Nhật chiếm cứ, kiến trúc này đến năm 1923 thì hủy bỏ.


2-Trạm xe đời thứ hai trong khoảng thời gian 1923-1986

日據初期的台北車站,本建築於1939年拆除。國家文化資料庫藏
Đài Bắc xa trạm lúc đầu do Nhật chiếm cứ, kiến trúc này đến năm 1939 thì hủy bỏ,
Theo Quốc gia văn hóa tư liệu khố tàng.


3-Trạm xe đời thứ 3 trong khoảng thời gian 1939 - 1986

Taipei station in 1948

1986年時的台北臨時車站
Trạm xe tạm thời của Đài Bắc vào năm 1986

Từ năm 1980 trạm xe Đài Bắc khởi đầu xây dựng trạm xe ngầm dưới mặt đất. Cho tới năm 2000 thì toàn bộ kiến trúc cũ bị phá bỏ để thay thế trạm xe đời thứ 4.


4-Trạm xe đời thứ 4: từ năm 1989 đến năm 2004 thì xây dựng xong, gồm:


Trên mặt đất 6 tầng làm các trung tâm thương mại và mua sắm. Ở dưới mặt đất gồm 4 tầng cho toàn bộ các tuyến xe lửa, metro trong nội thành và tàu cao tốc đi Cao Hùng.



Hàng ngày biết bao nhiêu người là nhân viên, công nhân lao động, du khách.. đi và về bằng các phương tiện này, khi ra khỏi xe điện là ghé vào trung tâm mua sắm mua thực phẩm hay nghỉ ngơi trước khi ra về..

Hình ảnh lên xuống tầng ngầm của Trạm Xe Taipei vào năm 2009 mà tôi lấy từ trang wiki:





2009年1月29日
Hai bên là tàu metro đang ngừng để khách lên và ra khỏi tàu

Tấm hình này tôi chụp trong lúc ngồi ở xe hơi trên đường đến Trạm xe Taipei, các bạn nhìn xem, đây là trung tâm hành chính thương mại ư! đúng vậy, nhưng ở tầng trệt có cửa để xe bus, xe car chở du khách đi vào đi ra, đó chính là "臺北轉運站 - Đài Bắc chuyển vận trạm", cũng chính là cái "bến xe" chở hành khách mà mình thường gọi đó.



Trở lại hình ảnh hôm ấy vợ chồng người bạn đón tôi từ Tân Trúc để trở về Đài Bắc trên con đường cao tốc mưa gió bão bùng mịt mù cả con đường đang đi..

 


Vậy mà hai tiếng sau khi về đến Taipei thì trời lại tạnh ráo, xe ngừng ở bên ngoài trạm xe Đài Bắc, chúng tôi đi vào trạm để nghỉ ngơi trước khi đi chơi vào chiều tối..

 Tôi ở bên ngoài trạm xe trên đất khách quê người vào năm 2012:

 
Ở bên ngoài của bến xe Taipei sau cơn mưa chiều tơi tả..


Người bạn chụp cho tôi, đã chỉnh đứng rồi, nhưng khi đưa vào đây lại nằm ngang.. hihi

Ở bên trong bến xe Taipei, ta thấy tòa nhà có 6 tầng ở trên cao, ở tầng trệt với hành lang mênh mông này chính là cái bến xe, cái bến xe che mưa che nắng, có nơi cho khách bộ hành ngừng chân ngơi nghỉ, có đủ các chỗ cho người dân và du khách đến xếp hàng lấy vé cho các chuyến xe đi và đến của mình.





Tôi không phải đứng ở một trung tâm vui chơi gì đâu mà đứng ở bên trong cái được gọi là "bến xe"đấy.



Sau đó chúng tôi lên tầng ba để ngồi uống ly cafe và bánh ngọt.. nhìn ngắm xuống phía bến xe bên dưới kia người ta vẫn rồng rắn xếp hàng đi lên và đi xuống tầng hầm.. trạm xe không ngơi nghỉ.


Không hiểu sao anh bạn tôi khi chụp như thế nào mà ở laptop nhìn thì thấy hình đứng, đưa vào đây lại không chỉnh đứng được!! thôi thì nhìn nghiêng.



Từ những chuyến đi và về xứ người từ năm 1996 đến nay, rồi mỗi lần ngồi xe trên những con đường ở trong nước và gần đây tôi chọn thêm xe bus làm phương tiện đi lại.. rồi hôm đứng ở bến xe Sorya Campuchia, nhìn ngắm cái bến xe của người.. trong lòng tôi lại thấy.. ừ sao mà buồn thế!

Trong ba câu chuyện kể lể về cái bến xe, có lẽ là dài dòng theo lối diễn dịch dài dòng văn tự và hình ảnh của tôi ở trên, ta thấy gì nhỉ?

  • Campuchia có di sản Angkor Vat - được xếp vào kỳ quan thế giới - hàng năm thu được từ di sản ấy trên dưới 80 triệu dollar Mỹ, vậy mà người dân đen được thừa hưởng gì từ những di sản quí báu được xây dựng từ xương máu của cổ nhân, của tổ tiên để lại?

  • Còn ở VN ta, trước năm 1975, Thailand, Taiwan, Philippine, Malaysia, Singapore vẫn thua Sài Gòn ở VN mình cơ mà, thế mà hôm nay nhìn lại, bên trang anh Hồng Ngọc, anh Hiệp, anh Bu nói về Thái Lan, nói rằng VN mình thua Thailand đến 89 năm, nghĩa là anh Hồng Ngọc đang sống ở Thái thì đang sống ở thời hiện tại, còn mấy anh em mình thì sống ở trong thời đại quá khứ ư!

  • Bến xe của người được gọi là "trạm xe", nghĩa là có chỗ cho ta ngừng chân che mưa che nắng, nghỉ ngơi mua sắm rồi sau đó leo lên xe đi và về đến nơi mình cần đi và đến. Nếu nhìn vào cái "Xa trạm" của Đài Bắc, từ năm 1986 mới bắt đầu làm tầng 1 dưới đất, thế mà bây giờ trong cái trạm ấy ở dưới lòng đấy có tới 4 tầng cho đủ loại xe lửa, xe cao tốc.. hàng ngày cứ vài phút một chuyến ngừng và một chuyến đi.. còn ở ta sau bao nhiêu năm từ khi được gọi là "Hòn ngọc viễn đông" đến nay ta vẫn nắng mưa dầm dãi ở bên ngoài bến xe với bao rủi ro chờ chực để tìm chuyến xe đi và về cho đời mình như thế ư!

Nói thì nói thế, dù sao dạo này, mỗi lần phải đi bằng xe bus vào Quận 1, từ chỗ nhà tôi lên xe là đầu trạm nên ít nhiều đôi khi tôi cũng được ngồi sau lưng tài xế hoặc ngồi ở bên cạnh cửa xe song song với tài xế, có lúc xe có máy lạnh, có lúc không, tôi đã biết thủ sao cho mình được an toàn, và luôn làm theo lời út Lâm dặn là "Mẹ không được đeo vàng vòng ở tay và cổ, cái túi xách thì ôm vào lòng.." và tôi vừa ngồi ở gần cửa xe vừa ngắm cảnh hai bên đường, những khoảnh đất đang được quy hoạch, nhìn đất nước đang thay đổi từng ngày, vừa bấm vài tấm hình cũng hay lắm đó!

TTM
Viết xong ở Sài Gòn, 07/05/2013


35 comments:

  1. Vào đọc, khá dài nên chưa được kỹ, nhưng cũng không rõ ý của chủ nhân là gì? Muốn giải thích từ nguyên (Bến xe), muốn nói lên cái lạc hậu, cái văn minh của từng nơi, từng quốc gia, muốn so sánh những cái lạc hậu hay văn minh ấy? Và muốn buồn vui theo những gì mình đã trải nghiệm...? Hay muốn nói tất cả bằng ấy thứ trong một entry? Hihi, cho nên cũng hơi khó còm :-)))

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dài dòng văn tự chữ nghĩa và hình ảnh lung tung như cái tâm không bình anh Hiệp nhỉ?

      Delete
  2. Nhưng cái tôi nhận thấy rõ nhất (tuy chủ nhân không nói ra), là chị chủ nhà có cái "số phải đi", đôi chân có gắn... cái bánh xe như chú nhóc... Na Tra trong chuyện Tây Du ký ấy. Nhoáng một cái thấy ở Cam (Cam Bốt), Hà Nội, Saigon, Đài bắc... Hihi!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không anh ạ! M muốn nói đến bến xe của người mà thua ta về mọi mặt trước năm 1975, bây giờ người ta có cái bến xe đến mà ngợp người. Còn Campuchia thu nhập từ di sản Angkor mỗi năm trên dưới 80 triệu đô la Mỹ, nhưng cơ sở hạ tầng, cái bến xe ở ngay trung tâm thành phố quá ư là tệ. Còn ở ta thì "no-table" anh Hiệp ạ.. hihi

      Delete
    2. Tôi thì lại thấy chuyện thua người về năm, bảy chục năm, hoặc một trăm năm kỹ thuật, hay về cái sang trọng, chưa phải là đáng xấu hổ, cũng tựa như ta đi cái xe gắn máy quẳng ngoài đường cũng chẳng ai thèm lụm, với người cỡi trên xế hộp Lexus, cái đáng xấu hổ với thế giới nó nằm ở những chuyện khác khó nói cơ, hù hù!

      Delete
  3. Bài này của chị đăng lên báo được.
    Ông Bộ trưởng giao thông Campuchia và ông Đinh La Thăng đọc được sẽ phải giật mình đó chị.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Huhu.. em nói thế thì chị sợ đó nha Jo ơi!

      Delete
  4. Bạn có bài viết thật công phu. Chỉ vì phải đứng giữa cái nắng choi cahng CPC mà bạn viêt một bài tổng hợp về các bến xe. Cám ơn bạn về những thông tin tổng hợp này. Tôi thấy ở các nước tiên tiến, do dân người ta rất tự giác nên đi xe bus người ta có các cột để khách dập vé. Vé dập xong có giá trị cho lần đi đó. Sang xe khác lại dập vé. Nhưng người mua vé tháng thì tiện lợi hơn...Đén lúc nào các bus VN có thể làm cách này?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, chỉ vì đứng ở giữa bụi bặm và nắng gió, chợt nghĩ đến mình đến ta mà M ngồi nhặt lại những tấm hình mình thu được để đưa về đây để mà suy nghĩ chứ chẳng làm được gì!

      Delete
  5. Bài viết thật công phu, thể hiện tấm lòng của tác giả khi "thấy người mà ngẫm đến ta". Đọc kỹ và thấy buồn, thôi thì GM ơi, hát bài "Dáng đứng bến xe" đi cho nó vui GM ơi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh HN mà nhìn thấy "dáng đứng bến xe" của bà già này mà không buồn cười thì thôi á!

      Delete
    2. Đồng ý như PNH nên bu tui chép lại vậy


      Vào đọc, khá dài nên chưa được kỹ, nhưng cũng không rõ ý của chủ nhân là gì? Muốn giải thích từ nguyên (Bến xe), muốn nói lên cái lạc hậu, cái văn minh của từng nơi, từng quốc gia, muốn so sánh những cái lạc hậu hay văn minh ấy? Và muốn buồn vui theo những gì mình đã trải nghiệm...? Hay muốn nói tất cả bằng ấy thứ trong một entry? Hihi, cho nên cũng hơi khó còm

      Delete
    3. 1. Bu đến lạ, đồng ý với PHN mà reply ở còm của HN.
      2. Chẳng qua tâm chẳng bình nên đọc không được ý của chủ nhà.
      3. Mà Bu cũng đã còm nửa trang còm rồi đó thôi!

      Delete
  6. học cái phép "lợi thế tinh thần" của AQ là xong hết chị GM ui! hehe... đừng có buồn cho nó mau già, bắt chước giáo cười hehe hoài là phẻ re!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cừi hehe nãy giờ với Giáo gồi nè Giáo à.. :)

      Delete
  7. Một bài viết rất công phu, phục tài chị quá.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Huhu.. cho cái bài và hình ảnh của chị già nè Nilan ơi!
      Cái BẾN của người và của mình khác nhau vời vợi em ạ.

      Delete
  8. "Dáng đứng bến xe" rất tuyệt !
    Chữ Nho " trạm" ở xứ Giao Chỉ mình dùng nghĩa là " bến"
    Bến là chỗ dừng , đến rồi đi , như : bến đỗ đời người , bến cá , bến đò , bến chợ , bến thành , vô bờ bến ...
    Cách dùng chữ Hán ở Việt Nam có nhiều trường hợp khác với cách dùng chữ Hán ở TQ , ở Nhật , ở Hàn .
    Chúc bạn thường an

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh Son lu ơi! anh là người thứ hai lập lại câu "Dáng đứng bến xe" với anh lại thêm chữ "rất tuyệt!" Lúc anh Hồng Ngọc viết, M nghĩ chắc anh nhớ bài hát "dáng đứng Bến Tre", nhưng thêm lần nữa với anh thì M phải si nghĩ lại lần nữa!!!

      Và M đi tìm trong đống hình ảnh ở trên entry trên, thì đúng là có một cái dáng đứng ở bến xe của người thật! hihi nếu mà anh thấy cái dáng hôm đi tìm cái số xe bus đúng tuyến của mình đi ở chợ Bến Thành hôm ấy nữa thì "còn tuyệt" nữa đó anh CT à! huhu..

      Delete
  9. Thực ra Cam Pu chia và Việt Nam , Lào đều có được rất nhiều tiền viện chợ, hoặc nguồn hỗ trợ cho vay để phát triển , nhưng những người có trách nhiệm họ ăn hết rồi còn đâu. Đúng là chúng ta từ hòn ngọc viễn đông trở thành nước kém phát triển nhất châu á Bạn ạ. Chia sẻ với Bạn.

    ReplyDelete
  10. Ruchung tôi tiếp cận entry này dưới góc nhìn từ nguyên - văn hoá vậy.
    Từ ghép BẾN XE hẳn nhiên là được phái sinh từ BẾN ĐÒ/THUYỀN vốn đã có trước từ lâu rồi. Từ xa xưa, khi các phương tiện giao thông chưa phát triển, thì ĐÒ/THUYỀN là phương tiện đi lại tối ưu vào bậc nhất, nên mới được lưu dấu ưu tiên trong câu ngạn ngữ: "Nhất cận thị, nhị cận giang". Và cũng chính do có quá nhiều người lựa chọn phương tiện này nên BẾN (đỗ chuyên nghiệp) đã hình thành để tạo nên sự tiện lợi chung cho người sử dụng. Ngày nay, XE (KHÁCH), với công nghệ và tính năng vượt trội đã hình thành và phát triển mạnh mẽ; song le, về tính chất, XE không khác nhiều so với THUYỀN: đưa rước hành khách đi về những điểm cố định. Và người ta đã sử dụng từ BẾN làm tiếp đầu ngữ chung cho BẾN XE (KHÁCH), BẾN ĐÒ/THUYỀN để chỉ các điểm đỗ có định này cho nhất cử lưỡng tiện vây!
    Trở lại cặp “thuyền - bến” từ lâu đã là hình tượng đặc trưng của văn hóa Việt. Do coi trọng triết lí Âm Dương, vì vậy mà “thuyền” được coi thuộc tính dương: di động không cố định… còn “bến” thuộc tính âm: cố định... Chính vì thế mà có sự liên tưởng “thuyền” với người nam, “bến” ví như người nữ.
    Entry này được viết bởi một blogger nữ về một đối tượng thuộc tính âm (BẾN), nên được coi là sự trắc ẩn từ tiềm thức về thân phận, đặc biệt khi tác giả mục sở thị những cái BẾN xập xệ và trì đọng. Nhưng cho dù BẾN có do hoàn cảnh xô đẩy thế nào thì THUYỀN từ ngàn đời nay đã ghi nhận phẩm chất "oanh liệt" của BẾN rồi vậy:

    “Thuyền về có nhớ bến chăng?
    Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”.
    [img] http://blog.yimg.com/1/jPa0ZH17s58W5m38mpjwWXL5i.jWJBxJCnU0UlabA52LpNipxEoYnQ--/28/l/1JsWllY.dPcL0dm1z2tEHw.jpg [/img]

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thương nhất là cái còm này của Ruchung.

      Delete
  11. Các di sản ở CPC như con gà đẻ trứng vàng vậy, họ cứ khai thác hết cỡ, hết công xuất mà không đầu tư vào những hạ tầng thiết yếu như bến xe để phục vụ nhân dân và ở VN thì cũng the same chị nhỉ.

    Thấy cái bến xe ở Đài Bắc mà choáng! Hay là ở CPC và VN người ta nghĩ rằng đã đi xe công cộng là thành phần "nhân dân anh hùng" rồi nên có nhếch nhác một tý cũng chẳng sao???

    ReplyDelete
    Replies
    1. Gà đẻ trứng vàng vào một số công trình tư nhân em ạ, còn công trình công cộng thì có dân đen lo rồi.

      Cái bến xe ở Đài Bắc như có cả xã hội nhỏ ở đó em ạ!.

      Delete
    2. Ba cái bến xe mà chị muốn nói và so sánh thì để ta thấy cái tầm vĩ mô của từng quốc gia.

      Ở Taipei, người ta có cái bến xe mà ở nơi đó người ta có thể đi chợ búa mua sắm, ăn uống, ngồi nghỉ ngơi, rồi lên và xuống đủ loại xe để đi về khắp các nơi quanh thành phố và về các tỉnh của cả nước mà không bị nắng mưa bụi bặm.

      Ở Campuchia thì có di sản Angkor Wat, đáng lẽ ăn đến ngàn đời chẳng hết của, thế mà cái bến xe ở trung tâm Thủ đô mà nhếch nhác thế đấy.

      Còn bến xe ở VN, mà Sài Gòn mình là Hòn ngọc Viễn đông cơ mà, thế mà cũng chỉ đỡ hơn Campuchia.. tí tẹo. Rõ chán.!!

      Delete
  12. Nói chuyện trạm xe. tôi có dịp qua Trung Quốc, Trạm xe đường dài của họ đủ hết hàng ăn, cà phê, bách hóa, nhà vệ sinh...Còn ô tô đường dài của ta thì tài xế đưa vào quán "CƠM TÙ", bị ép giá, mắng mỏ, thâm chí đánh chửi...
    Qua Tô châu thì phải, tôi còn thấy chính quyền thành phố này dựng nhà bạt ở các nút giao thông. Xe máy, xe đạp dừng xe có chỗ tránh mưa và tránh nắng. Tôi có chụp ảnh .
    Đọc bài của TTM Gốc Mai, trông người, ngẫm ta...
    Các nhà lãnh đạo chắc không có thì giờ xem mạng, và bận nhiều việc quốc gia đại sự...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Các bác ấy đi Tây đi U nhiều hơn anh em mình, mở mang nhãn quang hơn anh em mình đó anh Vũ Nho ơi! Tuy nhiên chắc các bác ấy "lực bất tòng tâm" chuyện quốc gia đại sự quá nhiều..! Dân đen mình đành thông cảm thôi!

      Delete
  13. Đọc entry này của chị lại nhớ những lần sang xứ người , từ khách sạn ở có lối riêng đi qua trung tâm thương mại nối với trạm metro dưới lòng đất, từ đó đi khắp nơi ... Lối đi lại gần như khép kín thật an toàn , có máy điều hòa dễ chịu , vừa đi vừa ngắm các shop , mỏi chân thì dừng lại ở các cafeteria ngồi uống nước ...
    Tuyến metro ở nước mình đến năm 2020 chưa biết đã hoàn thành chưa , vì nghe nói có nhiều đoạn tuyến đến nay vẫn còn trong giai đoạn kêu gọi nhà đầu tư ...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không hiểu sao xứ người ta dễ dàng như thế em nhỉ? Còn mình thì..
      Mà tới năm 2020 thì thêm tới 17 năm nữa.. huhu lúc ấy chị già đang ở đâu ở đâu để mà ngồi metro và ngắm giang sơn quê mình đây em!

      Delete
  14. Gốc Mai lấy trạm xe bus so với Ga trung Tâm của Đài Bắc thì... hơi ép Cam và Việt. Qui mô của "bến" giữa 2 phía quá chênh lệch nhau.
    Ngày 28/8/2012, đã khởi công xây dựng Ga tàu điện ngầm tại Bến Thành (đúng chỗ bà già đề cập nhé), dự kiến 2016 đưa vào sử dụng. Hông sao, dăm bảy năm nữa thì bà già còn khỏe chán để sử dụng cái Ga hiện đại này và bớt buồn cho nước nhà một tí!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Sao lại ép hả Nô ơi! huhu bà già không dám ép đất nước anh hùng của mình đâu! Chỉ vì ngậm ngùi là ngày xưa người ta thua mình.. Còn với Camb lại càng không dám, cũng chỉ là thêm tí ngậm ngùi khi thấy cái công trình công cộng khổ sở của bạn trong khi tiền của thu được hàng ngày từ di sản Angkor Wat đi về đâu thôi.

      Nô dự kiến metro khánh thành năm 2016 hả? thêm 3 năm có khi còn chờ được, vậy thì bà già chờ vậy, phấn khởi tí rồi..hihi

      Delete
    2. Lói gì thì lói nhưng hổng có được lói xấu TP Sai Gòn của tôi đó nha ! Lão Quang Thầu lói chí phải .

      Delete

Những entries gần đây



2015-06-17 - 88,616 views

Song Ngư..

“Hòa vào dòng chảy, và luôn mong muốn bản thân thay đổi khác hơn ngày hôm qua.”






.. Và mây vẫn trôi giữa dòng đời bụi bặm... Người đi qua đời.. chợt.. cũ đến chẳng còn quen....

Thiên di



- Bớt ăn thịt, ăn nhiều rau
- Bớt ăn mặn, ăn nhiều chất chua
- Bớt ăn đường, ăn nhiều hoa quả
- Bớt ăn chất bột, ăn nhiều sữa

- Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều lần
- Bớt đi xe, năng đi bộ
- Bớt phiền muộn, ngủ nhiều hơn
- Bớt nóng giận, cười nhiều hơn

- Bớt nói, làm nhiều hơn
- Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn.





Dấu chân..

Flag Counter
15/02/2016 - 64,319 pageviews - 63 Flags colledted

Labels

Bảo Huyên (7) Bhutan (1) Biên dịch (12) Birthday (13) Bs Đỗ Hồng Ngọc (1) buigiang (1) Campuchia (9) Canada (3) carpenters (1) children (7) chinese (11) chinese12 (1) Cooking (1) culture (8) dalat (1) Đặng Thế Phong (1) Danh nhân (2) Đi đó đây.. (28) Đinh Thị Thu Vân (2) doanchuantulinh (1) Đọc sách báo (14) event (4) Facebook (1) family (8) france (2) Friend (50) Gia đình tôi (35) Hà Nội 2013 (9) hanoi (7) heomap12 (1) Hoa cỏ (14) hoa Đào (1) Hoa Đỗ Quyên (2) Hoa Kỳ. (6) Hoa Lộc vừng (3) Hoa Mai (2) Hoa Phượng. (1) Hoa Sen (1) Hoa Sứ (2) Hoa thay lời muốn nói. (3) hoa2 (3) hoa2012 (5) hoa3 (2) Học làm blogspot (7) Hồi Ức nằm đâu đó.. (7) impressive (1) Khánh Ly (2) khuc (1) kinhthi (2) lehuuha (1) life (4) Luận về cái tên TTM (1) memory (5) mixmusic (1) Món ăn (2) multiply3 (1) Mười hai con Giáp (2) music (18) musicpoem (2) New year (1) ngothuymien (2) Nguyễn Ngọc Chính (3) nguyensa (1) nguyentatnhien (1) nhạcphạmduy (1) nhạctcp (1) nhạctcs (3) nhạctrữtình (1) Như Thị (2) Những chuyến đi của tuổi 60 (15) Những điều trông thấy (1) nonfiction (1) phamduy (2) Phong tục tập quán (1) poem (26) poem10 (14) poem12 (4) Quotation (4) Russia (1) Sài Gòn. (3) saigon (4) Sức khỏe là Kim cương (8) Sưu tầm (4) tagore (1) taiwan2012 (11) Tản mạn (30) tcp (2) tcs (6) Thơ's TTM - Remil Nguyễn phổ nhạc. (1) Tibet (4) Tiễn biệt (3) Tôi (105) Tôi ở góc trời. (1) tovu (1) Trang Tôn giáo (14) travel (5) travelcambodia11 (9) travelcambodia12 (1) Truyện ngắn (3) uk (1) uyenlinh (1) Viếng cảnh chùa (1) vietnam (4) vta (1) Vũng Tàu (3)

Luôn nhớ!

Bạn đã ghé thăm đó ư!

Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

Mutiply 27/02/2013: 315,715 pageviews; 118 flags collected
free counters



Người xin lỗi trước là người dũng cảm nhất.
Người tha thứ trước là người mạnh mẽ nhất.
Và người lãng quên trước sẽ là người hạnh phúc nhất...