Thursday, March 21, 2013

Niết Bàn phải chăng là hư vô


Thích Phước Sơn.
Trang Đạo Phật Ngày nay.


Xưa nay có một số người hiểu lầm cho rằng Niết-bàn là hư vô, hủy diệt, hay là cái chết. Nếu hiểu như thế thì không đúng với tinh thần kinh điển Phật giáo.


(Trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 180, mục Chuyện Đông Chuyện Tây tr. 57, ông An Chi có trả lời một độc giả về xuất xứ của từ Niết-bàn, nhưng về ý nghĩa, ông muốn độc giả tự tìm hiểu lấy. Nhân đây, chúng tôi xin góp ý về cách lãnh hội khái niệm Niết-bàn theo kinh điển Phật giáo, để giúp độc giả nào muốn tìm hiểu thêm một từ ngữ khá hàm súc và thường bị ngộ nhận này).


1. ĐỊNH NGHĨA NIẾT-BÀN

Niết-bàn hay Nê-hoàn là phiên âm từ ngữ Nibbàna của Pali (P), hay Nirvàna của Sanskrit (S).

Nibbana là danh từ phát sinh từ động từ ni(r)-và: nibbati; Nirvàna là danh từ phát sinh từ động từ nir-va. Hai động từ trên cùng có nghĩa tương đối giống nhau: Thổi, dập tắt, tiêu diệt, chấm dứt, làm lắng dịu, làm cho nguội lạnh. Do đó, hai danh từ Nibbana và Nirvana cùng có nghĩa là sự thổi tắt, biến mất, chấm dứt, lắng dịu, an tịnh, giải thoát v.v…[1]

Theo từ điển Phật học, Niết-bàn là trạng thái đã được thổi tắt, đã diệt hết lửa phiền não, là thành tựu trí tuệ viên mãn. Trạng thái nầy là cảnh giới giác ngộ siêu việt sinh tử, là mục đích thực tiễn rốt ráo của Phật giáo. Cho nên nó được biểu trưng cho một trong ba pháp ấn của đạo Phật là “Niết-bàn tịch tịnh.”[2]


2. NHỮNG VÍ DỤ VỀ NIẾT-BÀN

Kinh Niết-bàn thuộc Đại thừa đã cho những ví dụ như sau: Ví như người đói được ăn no, người bệnh được chữa lành, người sợ hãi được che chở, người nghèo được châu báu, người quán tưởng xương trắng trừ hết lòng dục, nhờ thế mà được an vui.

Tất cả những niềm an vui trên cũng gọi là Niết- bàn, nhưng chưa phải là Niết-bàn đích thực. Vậy, thế nào là Niết-bàn đích thực? Có bậc Đại nhân ở trong ác đạo phiền não mà không khiếp sợ, phát nguyện độ khắp chúng sinh, đó là người đã đạt được Niết-bàn đích thực.[3]

Đó là những ví dụ về Niết-bàn theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa và sau đây là những ví dụ theo quan điểm Nguyên thủy theo kinh Trung Bộ: Người nào đã diệt hết mọi tham ái, sân hận và si mê, làm cho chúng không thể hiện hữu được nữa trong tương lai, như cây tala bị chặt đứt ngọn không thể nẩy mầm được nữa (đó là Niết - bàn)[4]. Sự kiện bị chặt đứt ngọn được ví dụ trạng thái diệt hết mầm móng của tham, sân, si; cây tala – một loại cây giống như cây cau ở xứ ta, nếu chặt đứt ngọn thì không sống được nữa – được ví dụ cho sự hiện hữu của tham, sân, si.

Ngoài ra, còn có thể nêu thêm một ví dụ khác: Một hôm, con rùa đi dạo chơi trên mặt đất rồi trở về hồ nước. Con cá hỏi con rùa từ đâu trở về. Rùa bảo là từ đất khô trở về. Cá thắc mắc không biết đất khô là gì, nên hỏi: “Thế, đất khô có mát mẻ và êm dịu không? Có trong suốt để ánh sáng xuyên qua được không? Có di chuyển và chảy thành dòng không? Có nổi sóng và tan thành bọt không? v.v…” Rùa trả lời rằng tất cả những thứ ấy đều không phải. Cá kết luận: “Tôi hỏi anh bao nhiêu câu hỏi mà anh đều bảo không giống một thứ nào cả, thế thì đất khô mà anh nói đó chỉ là hư vô chứ không gì khác. “Rùa nói: “Này chị cá, nếu chị quả quyết rằng đất khô là hư vô thì chị cứ tiếp tục nghĩ như thế. Nhưng thực ra, người nào đã biết nước và đất khô sẽ bảo chị là một con cá dại dột vì dám cả quyết rằng cái gì chị không biết đều là hư vô, không có gì hết.[5]


3. NHỮNG QUAN ĐIỂM VỀ NIẾT-BÀN

Vào thời đức Phật còn tại thế, có một số Sa-môn, Bà-la-môn cho rằng có năm loại Niết-bàn, mà họ gọi là Niết-bàn tối thượng, đó là:
  • 1. Có người cho rằng bản ngã tận hưởng đầy đủ năm thứ dục lạc đó là Niết-bàn.
  • 2. Có người cho rằng xa lìa các dục vọng, các pháp bất thiện, đạt đến Thiền thứ nhất, có tầm, có tứ, có hỷ và lạc, đó là Niết-bàn.
  • 3. Có người cho rằng đạt đến Thiền thứ hai, nội tâm yên tĩnh, trí tuệ tập trung vào một đối tượng, không tầm, không tứ, có hỷ và lạc, đó là Niết-bàn.
  • 4. Có người cho rằng đạt đến Thiền thứ ba, không có hỷ nhưng còn lạc, an trú chánh niệm, đó là Niết-bàn.
  • 5. Có người cho rằng đạt đến Thiền thứ tư, không lạc cũng không khổ, hỷ và ưu cũng xả bỏ, được xả niệm thanh tịnh, đó là Niết-bàn.
Đó là những chủ trương Niết-bàn hiện tại tối thượng của các Sa-môn, Bà-la-môn lúc bấy giờ. Đức Như Lai biết rõ những quan điểm của họ, nhưng Ngài không chấp trước vào các tri kiến ấy. Vì không chấp trước nên nội tâm tịch tịnh. Do đó, biết chính xác sự huân tập, sự diệt trừ của cảm thọ, những vị ngọt, những nguy hiểm và sự xa lìa khỏi chúng. Nhờ thấu triệt như vậy, nên đức Như Lai được hoàn toàn giải thoát, không còn tập khí sinh tử nữa.[6]


4. TÍNH CHẤT CỦA NIẾT-BÀN

Kinh Phương Đẳng Bát-nhã Nê-hoàn quyển hai, phân tích Niết-bàn thành tám pháp vị (tính chất) sau đây:
  • 1. Thường trụ: Thông suốt ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) mà thường hằng, biến khắp mười phương mà tồn tại. 
  • 2. Tịch diệt: Vắng lặng hoàn toàn, vĩnh viễn chấm dứt lưu chuyển. 
  • 3. Không già: Không đổi, không thay, không thêm chẳng bớt. 
  • 4. Không chết: Vốn đã không sinh, nên cũng không chết. 
  • 5. Thanh tịnh: An nhiên trong sạch, hết mọi ô nhiễm. 
  • 6. Hư không: Thông suốt rỗng rang, vượt mọi chướng ngại. 
  • 7. Bất động: Im lìm tuyệt đối, hoàn toàn không dao động. 
  • 8. Khoái lạc: Không bị sinh tử khổ đau bức bách, đầy đủ niệm an vui thường tịch diệt.
Về tính chất của Niết-bàn đã được đức Phật trình bày trong rất nhiều kinh, ở đây chúng ta có thể nêu vài đoạn kinh trong Udàna như sau: “Này các Tỳ-kheo, trạng thái nầy (tức Niết-bàn) không có đất, nước, lửa, gió, không có Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi phi tưởng xứ; không có đời nầy, không có đời sau. Do vậy, ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có sinh, không có diệt, không chuyển vận và không sở duyên. Đó là sự đoạn tận khổ đau”.

Này các Tỳ-kheo, cái gì có nương tựa thì có dao động, cái gì không nương tựa thì không dao động, không dao động thì được khinh an, được khinh an thì không chuyển dịch, không chuyển dịch thì không có đến và đi, không có đến và đi thì không sinh diệt; vì không sinh diệt nên không có đời nầy và đời sau. Đó là sự đoạn tận khổ đau.[7]


5. PHÂN LOẠI NIẾT-BÀN

Tông Pháp tướng chia Niết-bàn thành bốn loại (bốn trạng thái):
  • 1. Bản lai tự tính thanh tịnh Niết-bàn: Tự tính của tất cả chúng sinh xưa nay vốn thanh tịnh, có vô lượng công đức, không sinh không diệt, vắng lặng như hư không, nhưng vì bụi bặm phiền não che khuất nên không hiển lộ được. 
  • 2. Hữu dư y Niết-bàn: Phiền não chướng đã diệt hết, lý chân như đã hiển hiện, nhưng sinh mệnh vẫn còn hiện hữu. (Như trường hợp đức Phật khi mới thành Đạo). 
  • 3. Vô dư y Niết-bàn: Mọi phiền não dứt hết, thân ngũ uẩn cũng diệt tận, các pháp hữu vi hết chỗ nương tựa, mọi nỗi khổ cũng diệt tận (Như trường hợp đức Phật nhập Niết-bàn.) 
  • 4. Vô trụ xứ Niết-bàn: Mọi chướng ngại của tri thức đều được đoạn tận, đạt được trí tuệ siêu việt, không còn phân biệt giữa sinh tử và Niết-bàn, không còn ưa thích hay chán ghét, phát đại trí, đại bi làm lợi ích cho chúng sinh đến cùng tận đời vị lai mà vẫn sống theo tự tính vắng lặng.[8]

Khi luận về phàm Thánh đối với bốn loại Niết-bàn, chúng ta thấy: tất cả các loài hữu tình đều đầy đủ Bản lai tự tính thanh tịnh Niết-bàn. Các bậc Thanh văn và Duyên giác vì đã đoạn tận phiền não nên được thêm hai loại Niết-bàn nữa là Hữu dư y và Vô dư y. Chư Phật đã dứt sạch cả phiền não chướng và sở tri chướng, nên đầy đủ cả bốn loại Niết-bàn.[9]


Tóm lại, xưa nay có một số người hiểu lầm cho rằng Niết-bàn là hư vô, hủy diệt, hay là cái chết. Nếu hiểu như thế thì không đúng với tinh thần kinh điển Phật giáo. Thực ra sự chết chỉ là một khía cạnh của Vô dư y Niết-bàn, chứ không phải toàn bộ Niết-bàn. Ý nghĩa đích thực của Niết-bàn theo đạo Phật phải được hiểu là trạng thái dứt sạch mọi phiền não nhiễm ô, đoạn trừ hết những nhận thức sai lầm, và hoàn toàn tự tại trước mọi khổ vui, phải trái, tốt xấu của cuộc đời.

Tuy vậy, Niết-bàn thực khó thể nhận đối với những tâm hồn còn tràn đầy ái dục, như đức Phật đã tuyên bố khi mới thành đạo: “Pháp nầy (tức Niết-bàn) do Ta chứng được thực sự là sâu xa, vi diệu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao siêu, vượt khỏi mọi lý luận, chỉ có những người trí mới hiểu thấu. Còn những người bình thường thì ham mê ái dục, ưa thích ái dục; do đó, họ khó mà thấy được nguyên lý y tánh duyên khởi, khó mà thấy được tất cả các hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được trừ bỏ, ái được đoạn tận, dục được diệt sạch, chứng đắc Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà những người khác không hiểu Ta, thì thực là vất vả cho Ta, thực là khổ não đối với Ta.[10]

***

[1]. Sanskrit-English Dictionary, by Sir Monier Williams, Oxford, 1960, p. 557. The Pàli Text Society’s Pàli- English dictionary, by T.W.Rhys Davids and William stede, London, 1959, p. 362. 
[2]. Phật Quang Đại Từ Điển, Phật Quang xuất bản xã,1989, tr. 4149.    
[3]. Đại-bát Niết-bàn Kinh, Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ-tát phẩm, Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập 12, tr. 730. 
[4]. Kinh Trung Bộ, tập 3, Hòa thượng Thích Minh Châu phiên dịch từ nguyên bản Pàli, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1992, tr. 554. 
[5]. Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh dịch từ bản tiếng Anh của Nàrada Thera. S. 1970, tr. 458. 
[6]. Kinh Trường Bộ, tập 1, Hòa thượng Thích Minh Châu phiên dịch từ nguyên bản Pàli, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1991, tr. 71-74.      
[7]. Kinh Phật Tự Thuyết, chương VIII đoạn 1, 3.   
[8]. Thành Duy Thức Luận quyển 10, Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập 31, tr. 55. 
[9]. Phật Quang Đại Từ Điển, tr. 1811.  
[10]. Kinh Trường Bộ tập 1, tr. 486… như trên. 
iam nhà vua Tần Bà Sa La, ngày 06/03/2013 và tại tịnh xá Trúc Lâm ngày 07/03/2013

Theo trang Phật Giáo Ngày nay.

35 comments:

  1. Bài viết của chị đồ sộ quá. Dẫn chứng ở nhiều sách ghê. Cảm ơn chị đã cho em biết về Niết Bàn. Em cũng chỉ hiểu nôm na Niết Bàn là một cõi phiêu diêu, tự tại. Con người không còn vướng bận vì bất kỳ điều gì nữa.

    ReplyDelete
  2. Ấy chết! Đây không phải là bài chị viết đâu, mà là chị đang học bài đó em à.. hihi

    ReplyDelete
  3. Em có lẽ phải đọc lại nhiều lần nữa thì mới hiểu hết được chị .
    ạ. Em cám ơn chị về bài viết này nhé! Em sẽ ghé lại đọc tiếp.

    Khi tâm đã tĩnh khi lòng đã an
    Đó chính là niết bàn hiện hữu
    Cõi ta bà chẳng phải cõi âm u
    Mở mắt ra chính là niết bàn thường tại...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, rỗi thì cũng nên đọc để hiểu rõ hơn về từ ngữ Niết bàn trong nhà Phật, kẻo ta cũng ngộ nhận nốt em ạ.

      Delete
  4. Vậy khi ta sống, có đạt được Niết Bàn ko? Hay phải chết mới có Niết Bàn! Gốc Mai hỏi thầy dùm Nô nhé!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn DungNobita ơi! Khi ta chết rồi nào biết Niết Bàn là gì đâu. Nhưng nếu nói theo Thiền tông thì khi ta sống vẫn đạt được Niết Bàn.

      Còn theo Tông Pháp tướng thì chia Niết-bàn thành bốn loại (bốn trạng thái), trong đó:

      2. Hữu dư y Niết-bàn: Phiền não chướng đã diệt hết, lý chân như đã hiển hiện, nhưng sinh mệnh vẫn còn hiện hữu. (Như trường hợp đức Phật khi mới thành Đạo).

      Do vậy, "Niết bàn" là hiện tại hay là khi ta chết đi.. thì cũng là chỉ do chúng ta nghĩ và nói ra, chứ nào phải là đức Phật nói đâu!

      Delete
  5. Nhưng mà chính thật Niết bàn là gì? Là một nơi chốn có thật ở đâu đó? Chẳng hạn trên trời xa tít tắp? Hoặc chẳng đâu xa, ngay trong lòng, trong tâm trí mỗi con người? Hay chỉ là một khái niệm, một từ ngữ triết học, mà thực tế không bao giờ tồn tại...?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn DungNobita và "bạn" PNH ơi! ngày bé, khi nói đến câu Đức Phật nhập niết bàn, thì bà già vẫn nghĩ là lúc đức Phật nhập tịch rồi. Nhưng bây giờ thì M không nghĩ thế và M thích nhất kết luận của Thiền Tông về chữ Niết bàn này:

      Trong Thiền tông, Niết-bàn cũng không hề tách rời với thế giới này mà chính là sự trực ngộ được thể tính của Tâm, là thể tính của con người, thể tính của Phật.

      Thực hiện Niết-bàn phải thông qua trí huệ và vì vậy, có khi Niết-bàn được xem là đồng nghĩa với trí huệ bát-nhã. Niết-bàn và trí huệ chỉ là hai mặt của một cái duy nhất. Niết-bàn là trạng thái của một người đã đạt trí huệ bát-nhã, đã đạt tri kiến về Tâm và ngược lại Bát-nhã là trí huệ của một người đã chứng đắc Niết-bàn.

      Delete
    2. "Niết-bàn là trạng thái của một người đã đạt trí huệ bát-nhã, đã đạt tri kiến về Tâm và ngược lại Bát-nhã là trí huệ của một người đã chứng đắc Niết-bàn.", chưa rõ Niết bàn ra sao?, ở đâu?, làm sao mà tới được đó, thì đã nghe thêm "trí huệ bát nhã, tri kiến về Tâm...", huhu!

      Delete
  6. Cảm ơn bà già, mình cũng đang học,cho mình theo học nhé.

    ReplyDelete
  7. Còm bài này thì chỉ nói vài ba hàng hoặc nói vài trăm trang, chính xác ra nói mãi không cùng, vì sao vậy:
    1- Một người bằng xương bằng thịt nhập Niết bàn là Phật Thích Ca. Sau đó ngài không quay lại để nói với chúng sinh Niết bàn là gì. Tất cả mọi định nghĩa về niết bàn là do người chưa nhập Niết bàn nói, cho nên nói kiểu gì cũng không làm cho ta hiểu được. Cũng như con cá không có khái niệm về đất khô thì con rùa nói đến vô lượng kiếp cá vẫn không hiểu được đất khô là gì.
    2- Bài viết trên của ngài Thích Phước Sơn không làm cho người chưa có khái niệm về đạo Phật hiểu được, mà có khái niệm cũng không hiểu được vì sao???
    * Đại thừa hiểu Niết bàn khác Tiểu thừa
    * Trong Đại thừa thì các tông phái sau đây hiểu niết bàn không giống nhau:
    - Trung quán tông
    - Duy thức tông
    - Thiền tông
    - Tịnh độ tông
    - Thiên thai tông
    - Địa luận tông
    - Nhiếp luận tông
    - ......
    Ngài Thích Phước Sơn chỉ nói đến quan niệm Niết bàn của Pháp tướng tông, vậy Pháp tướng tông là gì? Nó có phải là toàn bộ đạo Phật không? Xin thưa không phải. Pháp tướng tông là trường phái quan trọng của Phật giáo Trung quốc, một dạng của Duy thức tông (một dạng chứ không phải toàn bộ) nó dựa vào các tác phẩm của Thế Thân và Vô Trước làm căn bản. Nếu một bạn nào đó muốn đi theo Thiền tông, hoặc Tịnh độ tông ....thì bài viết của ngài Thích Phước Sơn không có tác dụng gì cả...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vẫn là mù mịt, mù tăm, mù tích... Hic!

      Delete
    2. Kính gửi: Trưởng lão Bulukhin,

      Thật ra,theo Bà già đọc, thì thấy thầy Thích Phước Sơn viết bài này giống như ông trả bài cho ông, ông tóm gọm lại tất cả những gì ông lĩnh hội được trong quá trình tu tập, chứ ông cũng chưa đưa ra cho ta được lời giải nào cho từ ngữ NIẾT BÀN này cả.

      Trong bài ông cũng chỉ nói "Về tính chất của Niết-bàn đã được đức Phật trình bày trong rất nhiều kinh, ở đây chúng ta có thể nêu vài đoạn kinh trong Udàna như sau:..." và ở đoạn kết cũng thế. Ông chỉ đưa ra mà chưa giải đáp cho chúng ta biết "NIẾT BÀN LÀ GÌ".

      Cuối cùng chúng ta vẫn cứ như câu chuyện con cá hỏi con rùa, và chúng ta vẫn mãi là con cá bơi ở trong giòng sông u minh này..

      Vì Bà già đã đọc đi đọc lại bài viết của thầy Thích Phước Sơn, đọc cả lời các bạn còm rồi, đọc cả còm của Trưởng Lão trên rồi, nhưng bà già vẫn thấy mình là CON CÁ.. huhu..

      Vậy để hiểu rõ sâu hơn về Niết Bàn, về đối đáp của con cá và con rùa.. Trưởng Lão có thể giải thích rõ hơn cho bà già TTM và các bạn hiểu rõ thêm được đôi điều chăng ? hihi :)

      Cám ơn trước nhé!

      Delete
  8. M đọc cho biết thôi chị ơi chứ không mong được ... gia nhập Niết bàn , chắc cứ mãi lung bung ỡ cõi rất đời này thôi ...
    Mà đọc còm của bác Bu thì tóm lại cũng không mong gì biết được , vì : "Một người bằng xương bằng thịt nhập Niết bàn là Phật Thích Ca. Sau đó ngài không quay lại để nói với chúng sinh Niết bàn là gì. Tất cả mọi định nghĩa về niết bàn là do người chưa nhập Niết bàn nói, cho nên nói kiểu gì cũng không làm cho ta hiểu được. Cũng như con cá không có khái niệm về đất khô thì con rùa nói đến vô lượng kiếp cá vẫn không hiểu được đất khô là gì" . Thế cho nên huhuhu ....

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thế cho nên tụi mình vẫn chỉ là một "con cá" trong những "con cá lớn nhỏ" quanh quẩn ở trong cõi ta ba này cho đến ngày vãnh sanh .."cực lạc quốc" mất thôi.. huhu :((

      Delete
  9. Một ông Tăng hỏi Hòa thượng Động Sơn:
    - Phật là gì?
    Sư đáp:
    - Ba cân mè.

    (Vô Môn Quan.)

    Niết Bàn ờ đây chăng?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thì khi ta thấy "ba cân mè" chính là "ba cân mè" chính là lúc ta đã nhiếp tâm.. hihi.

      Anh PN-Hiệp ơi! chắc chị Bà già sẽ đề nghị Trưởng Lão Bulukhin cứu khổ cứu nạn cho Chị Bà già thôi ! huhu..

      Bà già treo bài đọc được lên để suy gẫm, nhưng giải được vấn đề "ba cân mè", "Phật là gi?", "con cá" to "con cá" nhỏ và "con rùa" là cả một vấn đề của ba cõi người ta.. huhuhuuuu bớ Trưởng Lão Bu ui cíu cíu lão bà bà nhé... :(

      Delete
  10. @ Bạn dungNobita, Marg., "bạn" PN-Hiệp ui ùi.. bà già đã kêu cíu với Trưởng Lão Bulukhin về vấn đề này rồi, mong Trưởng Lão "khai thị" cho, biết đâu chúng ta có thể chứng đắc và thoát khỏi một tí ti u minh nào chăng!

    ReplyDelete
    Replies
    1. À, phải nhờ thêm "bạn" PN-Hiệp phụ Trưởng Lão Bu giúp bà già và các bạn "khai thị" ngộ nhập thêm nữa đó nhé!

      Delete
  11. Nilan cung chi la con Ca ..........

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chúng ta đều là con Cá.. ráng vượt vũ môn đi thôi Nilan nhỉ.

      Delete
  12. 1- Nếu chỉ cần một câu thì bu tui cho rằng bài viết của ngài Thích Phước Sơn là: LỜI LẼ CỦA CON CÁ TRONG CHÙA NÓI CÁC CHÚ CÁ NGOÀI CHÙA
    2- Chưa dám hứa sẽ viết gì về Niết bàn, vì cábulukhin vô lượng kiếp nữa cũng không phải rùa huhuhu.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Trưởng Lão Bu ơi! thôi Bà già không chờ trong vô lượng kiếp đâu mà chỉ mong trong chỉ kiếp này Trưởng lão hãy làm RÙA một lần để trả lời cho CÁ đi.. hihi.. :)

      Delete
    2. Bạn có cách chi biến tôm tép thành rùa thì bu tui bò lên bờ cạn ngay mà... hihihi

      Delete
    3. Giời ạ! Nếu thế thì Trưởng Lão ơi! cái quá trình tu tập của tôm tép cá chép, tới cá linh tinh từ bao lâu nay không đạt tới một chánh quả nào hả?? Huhu nếu thế thì phải bỏ cả thế hệ tôm tép này sao hở giời!

      Delete
  13. Hihi, Tôn giáo là Niềm tin, tin thì có Niết bàn, còn không tin thì chẳng hề có. Mà Niềm tin thì tùy ở mỗi người. "Tất cả do một tâm này mà ra".

    ReplyDelete
    Replies
    1. Khi tâm ta tịch tĩnh thì đã có hưởng được trạng thái Niết Bàn rồi anh Hiệp nhỉ?
      Oh mà đã bao giờ tâm ta được một lần tĩnh tịch chưa!! Thôi thì cứ tu tập như Thu Thủy cho tâm nó lành.

      Delete
  14. Giáo lý đạo Phật mênh mông như biển mà mình chỉ là hạt cát nhỏ nhoi. Em cứ trung thành với hơi thở,thực tập sống từ bi hỷ xả và tìm sự bình yên trong tâm hồn thế là thấy Niết bàn gần đâu đây lắm rồi!

    Em đang gắng tu tập mà còn trồi lên sụt xuống, gian nan lắm chị à! Nam mô A di đà Phật!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em đang tu tập theo Thiền, sẽ mau thấy cái tâm của mình đến một ngày nào đó sẽ bớt cả cái si mê sân hận.. đó cũng chính là lúc ta đạt tới một trạng thái của Niết bàn rồi em nhỉ!

      Delete
  15. Vào thăm GM hơi trễ, thấy chư bá tánh luận bàn pháp Phật nhiều, vừa mừng vừa rét. Mừng vì đọc để biết thêm, rét vì hiểu biết của mình vừa hẹp vừa cạn. Trước đây HN đọc được rằng Nirvana là "ra khỏi rừng", rừng hiểu là vô minh, xa lìa vô minh là tốt quá đi chứ vì "do vô minh, hành phát sinh,...cứ thế mà cái thập nhị nhân duyên làm con người ta lùng bùng. Đồng ý với GM về chuyện thiền, làm được như GM gợi ý thì bồ đề chả phải cầu mà niết bàn cũng không xa. Cám ơn GM đã cho nghe La chanson de Lara (Somewhere my love).

    ReplyDelete
    Replies
    1. Khi lòng ta nghe và cảm nhận được một khúc nhạc hay thì ta cũng đã thấy niết bàn rồi anh HN nhỉ.. đùa tí, nhưng với M thì M nghĩ khi tâm ta tĩnh tịch trước những chấp trước của con người chính là lúc ta đã thấy bình yên rồi.

      Bản nhạc này M được nghe khi đi xem bộ phim Dr Zhivago vào những năm 196..s (quên năm nào rồi), khi khúc nhạc này trổi lên bằng tiếng đàn dương cầm giữa trời tuyết trắng xóa giữa cuộc chia ly của hai người trong loạn lạc, lúc ấy M đã thấy mình không thể nào quên tiếng nhạc thánh thót này rồi anh HN ạ.

      Delete
    2. 1. Cả hai ý trên, với HN đều đúng.HN cũng nghĩ thế!
      2. Nhắc phim này HN lại nhớ hình ảnh (hình như là) Omar Sharrif vào vai nhân vật nam chính với hàm râu tuyết bám trắng ở Siberia thì phải. Và riêng HN có một kỷ niệm thiệt khó quên khi coi phim này. Có dịp sẽ kể GM nghe sau.

      Delete
    3. Vâng, sẽ chờ có dịp nghe anh HN kể chuyện cho nghe vậy.

      Delete
  16. CT nghĩ : học giáo-tài của Phật giáo là cần thiết cho người học Phật . Bài viết nói trên thuộc về tài liệu giáo pháp , tiếp cận và hiểu được giáo tài là hoan hỉ rồi . Còn như hỏi niết Bàn có hay không ? Bạn / tôi / chúng sanh có thể đạt cảnh giới niết bàn không ? .v.v...lại là chuyện khác .
    Với người không có tín tâm Phật giáo , hoặc đọc để bài bác , biếm nhẽ , bất bẻ...thì miễn bàn luận , bởi khi bạn cố tình không hiểu một ngôn ngữ văn bản thì có gì để nói ? Với một Phật tử thuần thành ắt có tín tâm , nghe câu " viễn li điên đảo vọng tưởng cứu cánh Niết bàn..." liền có "cảm xúc", có í muốn tìm hiểu chữ Niết bàn trong câu trên nghĩa là gì.
    Bài viết của Thầy Phước Sơn cô đọng , đầy đủ và rõ ràng , dù thầy tu theo Pháp tướng tông , hay người đọc có tu theo một tông nào khác , nhưng điều ngài viết không khác với Phật học tự điển .
    Cảm ơn Gốc Mai đã cho đọc một bài viết hay , có ích cho người học Phật . Công đức lắm đó .
    Chúc bạn thường an !

    ReplyDelete

Những entries gần đây



2015-06-17 - 88,616 views

Song Ngư..

“Hòa vào dòng chảy, và luôn mong muốn bản thân thay đổi khác hơn ngày hôm qua.”






.. Và mây vẫn trôi giữa dòng đời bụi bặm... Người đi qua đời.. chợt.. cũ đến chẳng còn quen....

Thiên di



- Bớt ăn thịt, ăn nhiều rau
- Bớt ăn mặn, ăn nhiều chất chua
- Bớt ăn đường, ăn nhiều hoa quả
- Bớt ăn chất bột, ăn nhiều sữa

- Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều lần
- Bớt đi xe, năng đi bộ
- Bớt phiền muộn, ngủ nhiều hơn
- Bớt nóng giận, cười nhiều hơn

- Bớt nói, làm nhiều hơn
- Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn.





Dấu chân..

Flag Counter
15/02/2016 - 64,319 pageviews - 63 Flags colledted

Labels

Bảo Huyên (7) Bhutan (1) Biên dịch (12) Birthday (13) Bs Đỗ Hồng Ngọc (1) buigiang (1) Campuchia (9) Canada (3) carpenters (1) children (7) chinese (11) chinese12 (1) Cooking (1) culture (8) dalat (1) Đặng Thế Phong (1) Danh nhân (2) Đi đó đây.. (28) Đinh Thị Thu Vân (2) doanchuantulinh (1) Đọc sách báo (14) event (4) Facebook (1) family (8) france (2) Friend (50) Gia đình tôi (35) Hà Nội 2013 (9) hanoi (7) heomap12 (1) Hoa cỏ (14) hoa Đào (1) Hoa Đỗ Quyên (2) Hoa Kỳ. (6) Hoa Lộc vừng (3) Hoa Mai (2) Hoa Phượng. (1) Hoa Sen (1) Hoa Sứ (2) Hoa thay lời muốn nói. (3) hoa2 (3) hoa2012 (5) hoa3 (2) Học làm blogspot (7) Hồi Ức nằm đâu đó.. (7) impressive (1) Khánh Ly (2) khuc (1) kinhthi (2) lehuuha (1) life (4) Luận về cái tên TTM (1) memory (5) mixmusic (1) Món ăn (2) multiply3 (1) Mười hai con Giáp (2) music (18) musicpoem (2) New year (1) ngothuymien (2) Nguyễn Ngọc Chính (3) nguyensa (1) nguyentatnhien (1) nhạcphạmduy (1) nhạctcp (1) nhạctcs (3) nhạctrữtình (1) Như Thị (2) Những chuyến đi của tuổi 60 (15) Những điều trông thấy (1) nonfiction (1) phamduy (2) Phong tục tập quán (1) poem (26) poem10 (14) poem12 (4) Quotation (4) Russia (1) Sài Gòn. (3) saigon (4) Sức khỏe là Kim cương (8) Sưu tầm (4) tagore (1) taiwan2012 (11) Tản mạn (30) tcp (2) tcs (6) Thơ's TTM - Remil Nguyễn phổ nhạc. (1) Tibet (4) Tiễn biệt (3) Tôi (105) Tôi ở góc trời. (1) tovu (1) Trang Tôn giáo (14) travel (5) travelcambodia11 (9) travelcambodia12 (1) Truyện ngắn (3) uk (1) uyenlinh (1) Viếng cảnh chùa (1) vietnam (4) vta (1) Vũng Tàu (3)

Luôn nhớ!

Bạn đã ghé thăm đó ư!

Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

Mutiply 27/02/2013: 315,715 pageviews; 118 flags collected
free counters



Người xin lỗi trước là người dũng cảm nhất.
Người tha thứ trước là người mạnh mẽ nhất.
Và người lãng quên trước sẽ là người hạnh phúc nhất...